Ngày 06/7/2024, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức chương trình sinh hoạt chuyên đề quý 3 gắn với chương trình về nguồn tại Di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn (Tp. Long Khánh) và Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (Trảng Bom). Tham gia chương trình có đồng chí Lê Thị Cát Hoa, Bí thư Đảng ủy- Hiệu trưởng Trường Chính trị và tất cả các đồng chí đảng viên của Đảng bộ trường.
Tại Di tích khảo cổ đặc biệt - Mộ Cự thạch Hàng Gòn, Đoàn đã tham quan, tìm hiểu các hạng mục: Khu hầm mộ, khu chế tác, miếu Ông Đá, miếu Thổ thần, các công trình phụ trợ… Đây là công trình kiến trúc liên quan đến hình thức tín ngưỡng của cư dân cổ Đồng Nai, bổ sung cho nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan trong quá trình đấu tranh, tồn tại và sáng tạo văn hóa của nhân loại. Đó là sự thể hiện trong nhận thức về linh hồn con người, tín niệm về một thế giới siêu nhiên với hình thức hỏa táng thi hài sau khi chết, lưu giữ trong mộ đá vững bền, với những nghi thức trong tập quán chung của một cộng đồng. Di tích là một trong những thành tựu tiêu biểu, phản ánh một dấu mốc trong nấc thang phát triển ở Nam Bộ - Việt Nam cách đây 2.000 năm, là kho sử liệu chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, đặc biệt là những điều bí ẩn tồn tại bên trong ngôi mộ phản ánh những khía cạnh liên quan tới văn hóa tinh thần của cư dân cổ vùng đất Đồng Nai. Với giá trị tiêu biểu, di tích khảo cố Mộ Cự thạch Hàng Gòn (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg, ngày 23/12/2015).
Di tích khảo cổ đặc biệt - Mộ Cự thạch Hàng Gòn
Tại Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1): Biểu tượng thiêng liêng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đoàn tham quan và được nghe Ban Quản lý Khu Di tích giới thiệu về một trong những căn cứ địa cách mạng rất quan trọng ở khu vực miền Đông Nam bộ trong thời kỳ kháng chiếm chống Mỹ cứu nước. Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được thành lập vào tháng 9 năm 1965 tại Bàu 17, xã Bàu Hàm (nay thuộc địa bàn xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) để lãnh đạo phong trào cách mạng của quân và dân các địa phương: TP.Biên Hòa và các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất. Cũng chính tại căn cứ này, vào tháng 8/1968, Tỉnh ủy Biên Hòa đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều hội nghị quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương cục Miền Nam. Trong suốt 10 năm hoạt động (từ 1965 đến 1975), Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đã xuất sắc lãnh đạo các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực khắc phục khó khăn, đánh thắng hàng trăm trận lớn nhỏ, góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Mùa xuân 1975 lịch sử.
Tại Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1)
Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được xem là địa chỉ đỏ - biểu tượng của truyền thống đấu tranh bất khuất của Đảng bộ và quân dân Biên Hòa - Đồng Nai không chỉ trong kháng chiến, mà trong cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề hằng quý, gắn với với triển khai thực hiện chuyên đề năm 2024 về xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện; đây là hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giảng dạy của đảng viên của Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức chính trị - tư tưởng; ý thức sâu sắc về sự tự rèn luyện, học tập của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, qua đó nâng cao nhận thức và chuyển hướng cụ thể hành động đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trịnh Tình