Tóm tắt: Bài viết phân tích mối quan hệ gắn bó, bổ trợ giữa báo chí cách mạng và Trường Chính trị trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số. Báo chí và trường Chính trị, tuy hoạt động trên hai lĩnh vực khác nhau, nhưng đều là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng – lý luận, có vai trò truyền bá, củng cố và bảo vệ hệ giá trị tư tưởng của Đảng. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất cách thức phối hợp chặt chẽ giữa hai chủ thể nhằm lan tỏa thông tin chính thống, nâng cao khả năng truyền thông chính trị của cán bộ, dảng viên, đồng thời đấu tranh phản bác hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trong kỷ nguyên thông tin số hóa.
Từ khóa: báo chí cách mạng; trường Chính trị; chuyển đổi số; bảo vệ nền tảng tư tưởng.
1. Báo chí cách mạng – người lính tiên phong trên mặt trận tư tưởng
Ngày 21 tháng 6 năm 1925, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tờ báo Thanh Niên, Người đã đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, trở thành một trong những lực lượng chủ lực trong công tác tư tưởng – lý luận, giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục và cổ vũ nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã chứng minh vai trò tiên phong trong các giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến, báo chí không chỉ là cầu nối giữa Đảng và nhân dân mà còn là vũ khí tinh thần cổ vũ quân dân chiến đấu và chiến thắng. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập, báo chí là người đồng hành, truyền thông các chủ trương đổi mới, lan tỏa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ngày nay, khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, báo chí tiếp tục thể hiện tính cách mạng trong công nghệ và nội dung, thích ứng với bối cảnh truyền thông số. Báo chí không chỉ là sản phẩm thông tin đơn thuần, mà còn là phương tiện truyền thông chính trị hiện đại. Bên cạnh chức năng phản ánh, giám sát, phản biện, báo chí còn thực hiện nhiệm vụ vô cùng trọng yếu: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Trong môi trường số, báo chí cách mạng đang chịu nhiều thách thức: cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội, áp lực thương mại hóa, thao túng thuật toán và nguy cơ bị lấn át bởi tin giả. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, cùng với tinh thần cách mạng không ngừng đổi mới, báo chí Việt Nam vẫn giữ vững vai trò là lực lượng chủ công trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
2. Trường Chính trị – thành trì vững chắc trong giáo dục lý luận và rèn luyện cán bộ
Hệ thống các trường Chính trị cấp tỉnh, các Học viện Chính trị trong cả nước là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Với vai trò là trung tâm giáo dục lý luận chính trị, trường Chính trị có chức năng truyền bá và làm sâu sắc hệ tư tưởng của Đảng vào đội ngũ cán bộ các cấp – lực lượng trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối chính trị ở địa phương, cơ sở.
Trường Chính trị không chỉ giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn trang bị kỹ năng, phương pháp tư duy và hành động cho người cán bộ. Đây là nơi rèn luyện lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và những kỹ năng thiết yếu, quan trọng cho đội ngũ cán bộ, công chức. Mỗi bài giảng, mỗi tình huống thảo luận, mỗi đợt thực tế chính là cơ hội để cán bộ học hỏi và nâng cao phẩm chất chính trị của người đảng viên trong thời đại mới.
Trong bối cảnh hiện nay, khi lượng thông tin đang hết sức phong phú, đa dạng, đặc biệt là có những luồng thông tin xấu độc, tiêu cực, sai trái do các thế lực thù địch, phản động thực hiện đang thâm nhập nhanh chóng vào đời sống xã hội thông qua môi trường số, yêu cầu đối với trường chính trị không chỉ dừng lại ở giảng dạy lý thuyết mà còn có nhiệm vụ trang bị cho cán bộ năng lực truyền thông chính trị, khả năng phát ngôn, thuyết phục, phản biện và đấu tranh.
Trường Chính trị trong giai đoạn hiện nay cần hướng tới xây dựng một môi trường đào tạo năng động, hiện đại, có khả năng tương tác với truyền thông và xã hội. Người cán bộ sau khi rời ghế nhà trường phải trở thành “chiến sĩ tuyên giáo", có khả năng đấu tranh và lan tỏa giá trị tích cực trên mạng xã hội, biết chủ động dẫn dắt dư luận, góp phần tạo dựng niềm tin trong nhân dân.
3. Báo chí và trường chính trị – hai trụ cột cùng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời ký chuyển đối số
Trong hệ thống chính trị nước ta, báo chí cách mạng và trường Chính trị hoạt động ở hai “mặt trận" khác nhau nhưng có chung sứ mệnh: củng cố và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cả hai đều truyền bá hệ giá trị lý luận – chính trị, truyền cảm hứng hành động cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong các tầng lớp nhân dân.
Nếu như báo chí là phương tiện truyền thông rộng rãi tới toàn xã hội, thì trường Chính trị là nơi chuyển hóa tư tưởng ấy vào thực tiễn lãnh đạo, quản lý qua đội ngũ cán bộ. Báo chí góp phần lan tỏa, chia sẻ các thông tin, còn trường Chính trị là nơi đào tạo và hành động. Mặc dù chức năng, cách thức hoạt động khác nhau, nhưng cả hai đều là những lực lượng quan trọng, không thể tách rời trên mặt trận tư tưởng – lý luận. Hai lực lượng này nếu được kết nối và hỗ trợ lẫn nhau một cách có hệ thống, sẽ tạo thành “hai trụ cột vững chắc" trong xây dựng trận địa tư tưởng của Đảng giữa thời đại nhiễu loạn thông tin.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang định hình lại không gian truyền thông toàn cầu,chuyển đổi số tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho báo chí và trường chính trị. Về cơ hội, nó mở ra không gian truyền thông rộng lớn, nhanh chóng, thuận tiện và tương tác cao. Báo chí có thể tiếp cận người đọc qua nền tảng số, mạng xã hội, livestream, podcast; trường chính trị cũng có thể tổ chức dạy học online, hội thảo trực tuyến, xây dựng thư viện số, lớp học không gian mở. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng làm nảy sinh nguy cơ lệch chuẩn thông tin, phổ biến hóa tin giả, định hướng sai sự thật, tác động tiêu cực đến niềm tin chính trị. Trên không gian mạng, sự pha tạp, nhiễu loạn, cắt xén thông tin ngày càng khó kiểm soát, nền tảng tư tưởng của Đảng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Thông tin xấu độc, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, len lỏi vào đời sống chính trị – xã hội dưới dạng tin giả, quan điểm cá nhân phiến diện, hoặc các video clip mang tính “giật gân chính trị". Không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí học viên trường chính trị nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức lý luận và kỹ năng truyền thông số sẽ rất dễ bị ảnh hưởng, thậm chí dao động về tư tưởng, giảm niềm tin chính trị.
Trước thực trạng đó, báo chí cách mạng giữ vai trò như “lá chắn" tư tưởng đầu tiên, trực diện và phản ứng nhanh. Báo chí là công cụ sắc bén để phản bác các luận điệu sai trái, vạch trần các chiêu trò thông tin độc hại, và khẳng định tính chính nghĩa, hợp lý và hợp pháp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn. Thông qua các chuyên mục chính luận, bình luận thời sự, các bài viết đấu tranh trực diện trên Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, báo địa phương,… báo chí góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
Song song với báo chí, các trường Chính trị là nơi củng cố lập trường, tăng cường niềm tin, tư tưởng cho cán bộ. Tại đây, các lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới, nội dung nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước không ngừng được trang bị, bồi đắp… giúp học viên không chỉ “hiểu đúng" “hiểu trúng" mà còn “hiểu rõ", hiểu sâu". Đặc biệt, quá trình đào tạo bồi dưỡng tại trường Chính trị không đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn là quá trình rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và các kỹ năng mềm quan trọng, trong đó có kỹ năng, phản biện. Nhờ đó, cán bộ sau khi tốt nghiệp không chỉ có kiến thức lý luận vững chắc, năng lực hành chính, mà còn có khả năng “đấu tranh tư tưởng" – biết phân tích, lý giải, phản bác trước những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, lệch lạc trong thực tiễn công tác và đời sống.
Một điểm chung ngày càng rõ nét giữa báo chí và trường chính trị trong thời kỳ số hóa chính là nhu cầu và khả năng tham gia vào không gian mạng – mặt trận tư tưởng mới. Báo chí đã và đang chiếm lĩnh mặt trận này với hàng ngàn ấn phẩm điện tử, fanpage, kênh YouTube chính thống. Trong khi đó, các trường Chính trị cũng nhận thức được rằng giảng đường không còn giới hạn trong bốn bức tường mà đang mở rộng ra môi trường số, nơi mỗi giảng viên, học viên đều có thể và cần trở thành một “tác nhân truyền thông chính trị" – người biết lan tỏa cái đúng, cái tốt, cái tích cực, và phản bác kịp thời cái sai, cái xấu.
Thực tế cho thấy, nhiều trường chính trị đã triển khai hiệu quả việc tích hợp báo chí vào chương trình giảng dạy. Tại một số trường, giảng viên sử dụng các bài viết chính luận từ báo chí làm tình huống thảo luận trên lớp, giúp học viên thực hành lập luận phản biện và nhận diện thông tin sai lệch. Trường Chính trị đã chủ động khai thác báo chí như một kênh tài liệu sống động, như một phòng thí nghiệm truyền thông chính trị, nơi học viên được thực hành phân tích, phản biện, phát biểu, viết bài, truyền đạt thông điệp chính trị một cách bài bản. Như thế báo chí cũng cần quan tâm hơn đến tiếng nói từ các trường chính trị, mở chuyên mục cho giảng viên, học viên thể hiện chính kiến, lan tỏa nội dung lý luận – thực tiễn từ nhà trường tới xã hội. Ở chiều ngược lại, một số cán bộ, học viên cũng được khuyến khích viết bài đăng báo – vừa là sản phẩm học tập, vừa góp phần lan tỏa tiếng nói chính trị của cán bộ trẻ trên các diễn đàn công luận. Sự kết nối đó tạo ra một “vòng tuần hoàn tư tưởng" – báo chí là kênh lý luận sinh động, trường chính trị là nơi hấp thụ và phát triển lý luận, rồi lại quay về làm chất liệu cho báo chí phản ánh. Chính bởi vậy, lý luận và báo chí sẽ không còn tách rời, mà cộng hưởng và bổ sung nhau trong việc củng cố niềm tin xã hội vào Đảng, vào con đường cách mạng. Từ đó có thể khẳng định rằng: báo chí cách mạng và trường Chính trị, trong thời kỳ chuyển đổi số, không chỉ là hai lực lượng song song mà còn cần song hành. Báo chí có thể “vạch mũi chỉ tên" các quan điểm sai trái, nhưng chính trường Chính trị cũng chính là nơi tạo ra lực lượng có năng lực đấu tranh trực tiếp và bền vững. Trường Chính trị có thể đào tạo kiến thức lý luận bài bản, nhưng chính báo chí mới mang đến hơi thở thời sự, tính cập nhật và tính chiến đấu của thông tin chính trị. Sự kết nối bền vững giữa hai trụ cột này sẽ là tiền đề để tạo nên một hệ sinh thái tư tưởng mạnh mẽ, đủ sức kháng cự với mọi dạng thức xâm nhập tư tưởng trái chiều, đồng thời củng cố sức mạnh “mềm" chính trị cho đội ngũ cán bộ – những người không chỉ “làm chính trị", mà còn biết “truyền thông chính trị" hiệu quả trong lòng nhân dân. Do đó, cả báo chí và trường Chính trị đều cần nâng cấp hạ tầng công nghệ, cập nhật phương pháp tiếp cận truyền thông mới, xây dựng môi trường thông tin an toàn, chính thống, hấp dẫn và dễ tiếp cận. Đồng thời, cần phối hợp đào tạo kỹ năng “miễn dịch thông tin", giáo dục người học năng lực truyền thông chính trị cá nhân – tức mỗi cán bộ phải trở thành “kênh truyền thông đáng tin cậy" trong chính cộng đồng của mình, lan tỏa và bảo vệ các giá trị chính trị, nền tảng tư tưởng của Đảng trong nhân dân.
4. Một số khuyến nghị nhằm phát huy vai trò và sự gắn kết bền vững giữa báo chí cách mạng và trường Chính trị
Để báo chí và trường Chính trị thực sự trở thành hai trụ cột trong trận địa tư tưởng, cần thiết lập các cơ chế phối hợp bài bản, lâu dài và có chiều sâu.
Trước hết, các trường chính trị cần chủ động xây dựng chương trình, nội dung đào tạo gắn với thực tiễn truyền thông và báo chí hiện đại. Điều này không chỉ dừng lại ở việc sử dụng bài báo làm tư liệu minh họa trên lớp, mà còn phải đưa các kỹ năng truyền thông chính trị, kỹ năng xử lý thông tin trên mạng xã hội, kỹ năng viết chính luận và phản bác thông tin sai lệch thành các chuyên đề, mô-đun chính thức trong chương trình giảng dạy. Việc cập nhật các nội dung này không chỉ giúp học viên củng cố lập trường tư tưởng, mà còn trang bị cho họ công cụ truyền thông hữu hiệu trong công tác thực tế tại địa phương, đơn vị.
Thứ hai, cần thiết lập cơ chế phối hợp thường xuyên, có tính hệ thống giữa trường chính trị và các cơ quan báo chí trung ương, địa phương. Các hoạt động phối hợp có thể bao gồm: tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn học thuật về công tác lý luận – tư tưởng trong kỷ nguyên số; tổ chức tập huấn kỹ năng viết bài, xử lý truyền thông cho giảng viên và học viên; xây dựng các chuyên mục về lý luận chính trị trên báo chí địa phương có sự đóng góp từ đội ngũ giảng viên trường chính trị. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí có thể mời giảng viên trường chính trị tham gia viết bài, phản biện hoặc bình luận chuyên sâu các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội đang được quan tâm, qua đó tăng cường tiếng nói học thuật trong không gian công.
Thứ ba, các trường chính trị cần phát huy vai trò chủ động trong việc xây dựng và vận hành các nền tảng truyền thông số của chính mình. Việc xây dựng website hiện đại, vận hành fanpage chính thức trên mạng xã hội, phát triển các kênh truyền thông nội bộ dưới dạng bản tin điện tử, ấn phẩm số, podcast hoặc video clip chính luận… sẽ giúp trường chính trị không chỉ là nơi đào tạo kín, mà còn trở thành một chủ thể truyền thông tư tưởng chủ động và có ảnh hưởng trong xã hội. Những nội dung này cần được đầu tư cả về hình thức lẫn chất lượng, đảm bảo tính chính thống, hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt là với thế hệ cán bộ trẻ.
Thứ tư, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên, học viên trường chính trị tham gia viết bài cho báo chí cách mạng, nhất là các tạp chí lý luận của Đảng, báo chính trị – xã hội có uy tín. Đây không chỉ là một hình thức ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, mà còn là phương thức để lan tỏa tiếng nói học thuật từ nhà trường ra xã hội, đồng thời tạo động lực rèn luyện tư duy viết, lập luận chính trị và kỹ năng phản biện cho đội ngũ cán bộ tương lai. Các trường chính trị có thể tổ chức các cuộc thi viết chính luận, các nhóm nghiên cứu thực hành báo chí, hoặc đưa việc viết bài cho báo chí chính thống thành một phần yêu cầu bắt buộc trong đánh giá kết thúc khóa học.
Cuối cùng, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trường cChính trị có năng lực truyền thông hiện đại và phẩm chất tư tưởng vững vàng. Giảng viên không chỉ giỏi lý luận, am hiểu thực tiễn, mà còn phải có khả năng sử dụng ngôn ngữ báo chí, tư duy truyền thông để truyền đạt tư tưởng một cách thuyết phục và dễ tiếp cận với người học. Việc thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông, cập nhật xu hướng báo chí đa phương tiện, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả, sẽ giúp đội ngũ này trở thành lực lượng nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Việc thực hiện những giải pháp trên không chỉ góp phần làm mới nội dung và phương pháp đào tạo lý luận chính trị, mà còn mở rộng không gian ảnh hưởng của trường Chính trị ra khỏi phạm vi nội bộ. Khi báo chí và trường Chính trị bắt tay chặt chẽ, chuyển hóa tư tưởng lý luận thành nội dung truyền thông có sức lay động và thuyết phục, thì công tác tư tưởng – lý luận sẽ thật sự lan tỏa đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, giúp củng cố trận địa tư tưởng của Đảng trong một thế giới đầy biến động thông tin..
Tóm lại, báo chí cách mạng và trường Chính trị – một bên là tiếng nói của Đảng, một bên là nơi rèn luyện đội ngũ cán bộ – đều là những lực lượng tiên phong, không thể thiếu trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong thời đại chuyển đổi số, khi mặt trận tư tưởng trở nên phức tạp và đầy thách thức, thì sự liên kết giữa hai trụ cột này càng phải được củng cố, phát huy và nhân rộng. Việc cùng nhau lan tỏa giá trị chân – thiện – mỹ, truyền thông chính trị hiệu quả, đào tạo cán bộ có tư duy và kỹ năng truyền thông, chính là cách để báo chí và trường chính trị tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cũng là lúc để nhắc lại và khẳng định: báo chí và trường chính trị không thể tách rời trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng xây dựng Đảng và phát triển đất nước bền vững trong thời đại mới./.