Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". (Hồ Chí Minh)
LAN TỎA VĂN HÓA ĐỌC TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC – GẮN LÝ LUẬN VỚI THỰC TIỄN TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐỒNG NAI

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) không chỉ là dịp để tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc, mà còn là cơ hội để khơi dậy tinh thần học tập, nghiên cứu trong cán bộ, công chức, viên chức - những người trực tiếp tham gia vào bộ máy của hệ thống chính trị. Với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - những người giữ vai trò quan trọng trong thực thi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước - việc đọc sách, đặc biệt là sách lý luận chính trị, sách về pháp luật và hành chính, là một yêu cầu thiết yếu nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới. Đặc biệt, tại Trường trường chính trị - nơi đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, việc lan tỏa văn hóa đọc càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

1. Sách – nguồn tri thức và công cụ tự học, tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ

Sách không chỉ là kho tàng tri thức nhân loại mà còn là phương tiện quan trọng để mỗi người tự học suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tinh thần đọc sách và tự học. Ngay từ thời niên thiếu, Người đã chăm chỉ đọc nhiều thể loại sách bằng tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp để nâng cao nhận thức. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn coi trọng việc học qua sách, đọc sách để mở rộng tầm nhìn, bồi dưỡng lý tưởng và trau dồi bản lĩnh chính trị.

Sách là người bạn đồng hành của mỗi cán bộ trong suốt quá trình học tập, công tác. Văn hóa đọc góp phần hình thành tư duy phản biện, phẩm chất chính trị, năng lực phân tích và xử lý tình huống thực tiễn. Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo cán bộ, việc đọc sách chính là một trong những phương thức tự học hiệu quả nhất. Sách lý luận chính trị có vai trò quan trọng, trực tiếp truyền bá, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm có giá trị của các nước, góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; giáo dục, nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng con người mới, nếp sống mới; đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch... Tuy Đảng ta không đề cập trực tiếp tới văn hóa đọc sách lý luận chính trị, nhưng những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nghiên cứu, học tập đã gián tiếp khẳng định việc cần phải xây dựng văn hóa đọc loại sách đặc biệt quan trọng này. Việc đọc không chỉ để thu thập thông tin mà quan trọng hơn là để thấu hiểu và vận dụng, biến tri thức thành hành động, từ đó góp phần phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

2. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được thành lập từ năm 2014, trước đó là Ngày Sách Việt Nam tại Quyết định số 284/QĐ-TTg của Chính phủ nhằm tôn vinh vai trò của sách trong việc phát triển văn hóa, giáo dục và khoa học của đất nước... Ngày này được lựa chọn vì vào ngày 21/4/1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn sách “Đường Kách Mệnh" - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in tại Việt Nam. Cuốn sách này đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò của người đọc và thúc đẩy phong trào đọc sách trong cộng đồng. Các hoạt động trong ngày này được tổ chức rộng khắp, với sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân, nhằm tạo dựng nét đẹp văn hóa, thúc đẩy thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội"[1]. Trong đó, phát triển văn hóa đọc được coi là yếu tố then chốt để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách và xây dựng xã hội học tập suốt đời. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương nhằm phát triển văn hóa đọc trong xã hội. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh đến vai trò của việc tự học, tự nghiên cứu và đọc sách. Gần đây, Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Mục tiêu của đề án là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đề án cũng nhấn mạnh việc cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật và hình thành lối sống lành mạnh trong xã hội Việt Nam

Với tinh thần đó, văn hóa đọc cần tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, để từ mỗi trang sách, mỗi cuốn tài liệu, các đồng chí học viên có thể tìm thấy những bài học sâu sắc về lý luận, đạo đức và phương pháp hành động cách mạng. Đọc sách không chỉ là hành trình mở mang tri thức, mà còn là cách để mỗi cán bộ rèn luyện bản lĩnh, làm phong phú tư duy và sống sâu sắc hơn với nghề - nghề làm người dẫn đường cho nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đúng như Gustavo Lebon đã viết “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay" – câu ngạn ngữ ấy như một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa trong thời đại hôm nay.

3. Một số giải pháp góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa đọc tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai

Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, với chức năng đào tạo cán bộ lý luận chính trị cho địa phương, đã chú trọng xây dựng và phát triển thư viện như một thiết chế học tập hiện đại. Thư viện nhà trường hiện lưu trữ hàng nghìn đầu sách về lý luận chính trị, xây dựng đảng, pháp luật, quản lý hành chính, kỹ năng công vụ, phục vụ trực tiếp việc học tập - nghiên cứu của học viên và giảng viên. Văn hóa đọc được phát huy thông qua hoạt động của thư viện nhà trường - nơi cung cấp tài liệu, sách tham khảo phong phú, phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Thư viện không chỉ là nơi lưu giữ tri thức, mà còn là không gian học thuật để học viên thảo luận, trao đổi và ứng dụng kiến thức từ sách vào thực tiễn công tác.

          Tuy nhiên, hiện nay hoạt động thư viện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để phát huy tốt hơn nữa vai trò lan tỏa văn hóa đọc. Chẳng hạn số lượng đầu sách chưa thực sự phong phú, thiếu các ấn phẩm, sách chuyên khảo cho các chuyên ngành. Không gian phòng đọc còn đơn giản, chưa được bố trí khoa học và chưa tạo được môi trường học tập hấp dẫn. Một số hoạt động thư viện còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên tổ chức các chương trình tương tác, tọa đàm, giới thiệu sách để thu hút học viên. Vì vậy, cần có những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, cụ thể như:

Một là, sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đối với hoạt động của thư viện cũng như các hoạt động nhằm lan tỏa, phát triển văn hóa đọc. Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trong phát triển văn hóa đọc, đưa nội dung đọc sách và nghiên cứu sách lý luận chính trị vào kế hoạch năm học, gắn với đánh giá kết quả rèn luyện và thi đua. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện: mở rộng không gian phòng đọc, trang bị thiết bị tra cứu hiện đại, bổ sung đầu sách lý luận, kỹ năng và chính sách mới, đa dạng định dạng (sách giấy, sách điện tử, cơ sở dữ liệu trực tuyến); xây dựng thư viện mở, tổ chức các hoạt động “Ngày đọc sách", “Tuần lễ sách", cuộc thi tìm hiểu qua sách,... nhằm tạo thói quen đọc trong đội ngũ viên chức, giảng viên và học viên.

Hai là, thông qua đội ngũ giảng viên, viên chức nhà trường đặc biệt là người làm công tác thư viện. Mỗi giảng viên, viên chức sẽ là một “đại sứ văn hóa đọc", chủ động giới thiệu sách gắn với chuyên đề giảng dạy, chia sẻ trải nghiệm đọc, lồng ghép tri thức sách vào bài giảng và thảo luận lớp học. Giảng viên trường chính trị cần đóng vai trò là người truyền cảm hứng đọc sách cho học viên. Việc giới thiệu sách chuyên đề, tổ chức giờ đọc - thảo luận, lồng ghép vận dụng sách vào tình huống thực tiễn giảng dạy sẽ giúp học viên tiếp cận tri thức hiệu quả, phát triển tư duy toàn diện. Khuyến khích giảng viên xây dựng danh mục sách khuyến đọc theo từng môn học, cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho học viên. Thư viện chủ động tổ chức giới thiệu sách theo chủ đề, xây dựng tủ sách chuyên sâu. Tổ chức tập huấn kỹ năng đọc hiểu, đọc phân tích và hướng dẫn tra cứu tài liệu hiệu quả.

Ba là, tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế, dã ngoại. Đọc sách để chuẩn bị cho hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu thực tế. Gắn đọc sách với trải nghiệm thực tiễn như tham quan Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Nhà truyền thống... để kết nối kiến thức lý luận với lịch sử, văn hóa địa phương và nâng cao kỹ năng tổng hợp, phân tích, vận dụng của học viên. Khuyến khích viết bài thu hoạch, tiểu luận, trình bày cảm nhận và vận dụng nội dung sách vào tình huống thực tiễn.

Nói tóm lại, việc đọc sách lý luận chính trị không chỉ giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trình độ, mà còn là con đường rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng. Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên trường chính trị cần tự đặt cho mình mục tiêu đọc sách thường xuyên, chọn đúng sách, áp dụng tri thức sách vở vào công tác và cuộc sống. Như nhà văn Gorki từng nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống."./.



[1] Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 55​


Hải Anh Hà

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐỒNG NAI​
116 Tổ 16 KP2 P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
​ Điện thoại: 02513. 808. 220 - Email: banb​ientaptctdn@gmail.com