Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". (Hồ Chí Minh)
PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG 30/4/1975 THỰC HIỆN THẮNG LỢI CUỘC CÁCH MẠNG SẮPXẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) - thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đây cũng là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhận thức sâu sắc hơn những giá trị, bài học kinh nghiệm để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

1. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã để lại những bài học kinh nghiệm vô giá cho thế hệ sau

Đúng 11giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam  góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới. Đánh giá về tầm vóc thắng lợi của sự kiện lịch sử này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đảng ta khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

          Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến 21 năm trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược là tổng hòa của nhiều nhân tố, trong đó sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố cơ bản, quan trọng. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn, độc lập, sáng tạo. Chính nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta đã đưa ra được những quyết định sáng suốt và chính xác, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình thế giới, trong nước, tương quan lực lượng giữa ta và địch để xác định đúng thời cơ lịch sử, hạ quyết tâm chiến lược mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giành thắng lợi triệt để trong thời gian ngắn nhất. Việc đưa ra những quyết định mang tính lịch sử thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo tuyệt vời của Đảng ta. Đường lối, chủ trương của Đảng phản ánh ý chí, khát vọng độc lập, tự do của cả dân tộc, là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, tạo bước ngoặt mang tính lịch sử để nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Những bài học kinh nghiệm của Đảng trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng không những có giá trị tạo nên chiến thắng trong lịch sử, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2.  Phát huy tinh thần chiến thắng của ngày 30/4 lịch sử, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động: Biển Đông luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ổn định; các nước lớn tiếp tục gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng, với mức độ, quy mô khác nhau ở khu vực; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố vẫn diễn ra. Các thách thức an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, buôn lậu ma túy, di cư bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia… đang là những thách thức của các quốc gia trên thế giới. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt...

Để đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, dẫn dắt công cuộc đổi mới tiến lên, tiếp tục lập nên những kỳ tích mới, xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, đòi hỏi phải tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là vận dụng hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý giá của Chiến thắng 30/4/1975 để tận dụng, tranh thủ thời cơ, xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong những ngày này, khi người đứng đầu Đảng ta – Tổng Bí thư Tô Lâm đang phát động cuộc cách mạng về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp và hiệu quả cao từ bộ máy của hệ thống chính trị. Vì vậy, việc tinh giản, sắp xếp lại các đơn vị hành chính trở thành một xu hướng tất yếu. Trong những năm vừa qua, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhiều cơ quan, bộ phận còn trùng lắp, chồng chéo, tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng, nhất là chi phí vận hành hệ thống tổ chức quá lớn, chiếm tới 70% tổng ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước. Vì vậy, thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" vừa phù hợp với xu thế, vừa là đòi hỏi tất yếu, cấp bách từ thực tiễn của đất nước, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí nuôi bộ máy, ưu tiên nguồn lực cho phát triển đất nước, phục vụ nhân dân tốt hơn; tạo ra bước đệm, thế và lực để cả dân tộc chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ, để sớm xây dựng thành công một nước Việt Nam với dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy phải đối diện  với nhiều khó khăn, thách thức. Như Tổng bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “do công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức", “là vấn đề khoa học tổ chức, rất khó khăn, phức tạp, bởi có nhiều quan điểm, ý kiến với góc nhìn khác nhau". Thêm vào đó là sự chống phá của các thế lực thù địch. Đã xuất hiện một số bài viết trên các nền tảng mạng xã hội với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc cho rằng, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, cắt giảm nhân sự, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp như chúng ta đang triển khai “sẽ làm suy giảm hiệu quả hoạt động, làm gián đoạn quy trình điều hành của bộ máy" nhằm gây hoang mang lòng tin trong dân, gây khó khăn, tạo thêm áp lực cho Đảng ta trong quá trình thực hiện. Vì vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng nhằm giúp cho cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đạt được thắng lợi.

Thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động của bộ máy không chỉ phụ thuộc vào số lượng nhân sự hay quy mô tổ chức, mà cốt lõi là ở cách vận hành bộ máy khoa học. Khi phân bổ nguồn lực hợp lý, không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, thực hiện phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, đội ngũ cán bộ, công chức giỏi, tinh thông nghiệp vụ thì bộ máy sẽ hoạt động thông suốt, nhanh chóng và hiệu quả hơn. 

Trong những năm vừa qua, chúng ta tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai mô hình chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu suất làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), “việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (Đề án 06) đang loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt" và tiết kiệm chi phí mỗi năm khoảng 2.500 tỷ đồng"[1]. Hoặc theo Bộ tài chính, tính đến năm 2020, “ước tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm"[2].  Vì vậy, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, cắt giảm nhân sự, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp “sẽ làm suy giảm hiệu quả hoạt động, làm gián đoạn quy trình điều hành của bộ máy" là  sự nhận định chủ quan, không có cơ sở, là chưa hiểu đúng, đầy đủ về nền hành chính hiện đại.

Chúng còn cho rằng sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ “tạo ra sự bất bình đẳng vùng miền". Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh điều ngược lại. Tinh gọn bộ máy sẽ giúp phân phối nguồn lực công bằng và hiệu quả hơn.

Hiện nay, cả nước đang khẩn trương sắp xếp các đơn vị hành chính. Theo đó, chúng ta sẽ thu gọn lại từ 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm xuống còn 34 đơn vị và 10.350 đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm xuống còn khoảng 5.000 đơn vị. Khi sáp nhập, quy mô, phạm vi của xã và tỉnh sẽ rộng hơn rất nhiều. Sắp tới đây, khi người dân đến xã hay tỉnh để giải quyết công việc sẽ đi xa hơn, đó là một thực tế. Người dân băn khoăn, lo ngại cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này không phải là vấn đề lớn, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được, bởi sự đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay đã tốt hơn rất nhiều, phần lớn đều đã và đang gấp rút triển khai theo hướng kết nối hiện đại, đồng bộ, việc đi lại của người dân vì thế sẽ ngày càng thuận tiện hơn.

Cải cách hành chính cùng với áp dụng các dịch vụ công trực tuyến cho phép người dân, dù ở bất kỳ đâu, kể cả vùng sâu, vùng xa, thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng tại nhà chỉ bằng vài thao tác trên các thiết bị điện tử mà không cần trực tiếp đến cơ quan Nhà nước. Điều này không chỉ giảm chi phí đi lại mà còn rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, tạo ra môi trường hành chính minh bạch, thông thoáng và tiện lợi hơn. Đây là bước tiến lớn trong hành trình hiện đại hóa nền hành chính, cho thấy sự đúng đắn và khả năng thực tế của việc gắn kết tinh giản bộ máy với cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy đã giúp chúng ta tiết kiệm nguồn ngân sách để đầu tư cho phát triển và thực hiện các chính sách  an sinh xã hội, như chương trình “Xây dựng nông thôn mới", “Giảm nghèo bền vững", hay gần đây là chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát". Cũng nhờ điều chỉnh nguồn lực từ tinh giản bộ máy mà chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực về cải thiện hệ thống hạ tầng, giao thông, điện, đường, trường, trạm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đến nay, đường bê thông đã được xây dựng về đến hầu hết trung tâm xã vùng cao; thông tin liên lạc, mạng internet, mạng viễn thông di động được phủ sóng rộng rãi đến từng thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2024, 100% xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu dố có điện lưới quốc gia, trên 98% xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng; hơn 3.000 điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân; mạng điện thoại di động phủ sóng khắp vùng đồng bao dân tộc thiểu số với tỉ lệ phủ sóng mạng di động băng rộng 4G đạt 99,8 tổng dân số. Năm học mới 2025 tới đây, Chính phủ sẽ miễn học phí cho tất cả học sinh từ mầm non đến phổ thông trung học (hệ công lập) của cả nước. Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp tục chỉ đạo: “không chỉ miễn học phí mà sắp tới, chúng ta còn phải nuôi cho các em ăn học và đến năm 2030, bên cạnh miễn học phí còn sẽ miễn viện phí cho người dân".

***

Phát huy tinh thần chiến thắng của ngày 30/4 lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tăng thêm quyết tâm chính trị, chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Một chủ trương đúng, trúng, có được sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân, tinh thần sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân mình vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, được thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta - Tổng bí thư Tô Lâm, cuộc cách mạng tuy nhiều gian khó nhưng chúng ta nhất định sẽ thành công và Việt Nam sẽ bức phá thật ngoạn mục trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.



[1] Báo Lao động online, ngày 21/10/2023, “Dịch vụ công loại bỏ dần “tham nhũng vặt", tiết kiệm 2.500 tỉ đồng mỗi năm".

[2] Tạp chí tài chính.vn (bản điện tử), 12/5/2020, “Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 3.036 tỷ đồng/ năm".​



Vũ Nghĩa

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐỒNG NAI​
116 Tổ 16 KP2 P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
​ Điện thoại: 02513. 808. 220 - Email: banb​ientaptctdn@gmail.com