Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". (Hồ Chí Minh)
TỪ BÌNH DÂN HỌC VỤ ĐẾN BÌNH DÂN HỌC VỤ SỐ - NHIỆM VỤ TẤT YẾU XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Sau Cách mạng tháng Tám  năm 1945, 95%  dân số Việt Nam mù chữ. Đảng và Chính phủ đã phát động Phong trào Bình dân học vụ nhằm xóa nạn mù chữ đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và tự do. Năm 2025, phong trào Bình dân học vụ số được Đảng, Chính phủ phát động rộng rãi nhằm phổ cập chuyển đổi số, tri thức số cho toàn dân đưa đất nước Việt Nam tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ khóa: bình dân học vụ, bình dân học vụ số, xóa mù, chuyển đổi số, phát triển, công nghệ, kỷ nguyên mới.

1. Từ phong trào Bình Dân học vụ - nhiệm vụ xóa mù chữ toàn dân (1945 – 1946)

Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng là lúc nước ta rơi vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc" bởi phải đối phó với ba loại giặc lúc bấy giờ là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, đặc biệt là giặc dốt. Thời điểm đó,  95% dân số Việt Nam mù chữ, đó là chưa kể đến vùng thôn xóm hẻo lánh hay vùng đồng bào thiểu số, ở đó, tỷ số người thất học lên tới 100%[1]. Đây thật sự là một trở ngại rất lớn đối với công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước trong kỷ nguyên đầu tiên của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc và tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dốt thì dại, dại thì hèn. Vì không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới"[2]. Vì thế, ngay sau những ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Chính phủ và đưa ra những kế sách và ban hành nhiều chỉ thị quan trọng đối với nhà nước mới được khai sinh. Ngày 08/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành quyết định thành lập Nha bình dân học vụ, quy định mọi người phải ra sức diệt giặc dốt song song với diệt giặc đói và giặc ngoại xâm. Nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ được đặt lên hàng đầu, đồng thời tiếng Việt được quyết định dùng làm ngôn ngữ của nền giáo dục và cho mọi công văn giấy tờ. Đây được xem là một quyết sách vô cùng sáng suốt và thể hiện tầm nhìn, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nền giáo dục nước nhà khi Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn mới, xây dựng và kiến thiết đất nước. Phong trào Bình dân học vụ (1945-1946) đã nhanh chóng trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp, lôi cuốn đông đảo học viên, cán bộ, giáo viên bình dân học vụ vào mặt trận chống giặc dốt, giặc ngoại xâm và thi đua lao động tốt, sản xuất tốt.

Ngày 04/10/1945, trong bài viết “Chống nạn thất học", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng."[3] Lời kêu gọi của Người về nhiệm vụ chống “giặc dốt" đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người dân, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc. Mọi người thấy rõ trách nhiệm của mình là phải nhanh chóng biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ và tạo thành một phong trào học tập vô cùng sôi nổi và mạnh mẽ của dân tộc, tiếng học bài, tiếng đánh vần mỗi buổi tối sau một ngày hăng say lao động, sản xuất và đánh giặc đã tạo thành một bản đồng ca vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Với tinh thần chỉ đạo, theo dõi sát sao của Bác, của Chính phủ và sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo và người dân lúc bấy giờ mà chỉ trong một năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, phong trào Bình dân học vụ đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học. Đến năm 1948 có 6 triệu người đã thoát nạn mù chữ và đến năm 1952 là 10 triệu người. Chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành. Những kết quả đạt được tuy mới chỉ là bước đầu, song có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được từ tay đế quốc thực dân.

2. Đến phong trào Bình Dân học vụ số  - nhiệm vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Để tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới, dân tộc Việt Nam không những phải phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững[4], do đó, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi người dân Việt Nam là phải hiểu về công nghệ, nắm vững về tri thức số, tinh thông về chuyển đổi số, nhạy bén với yêu cầu của thời đại.

Học tập và kế thừa những thành công của phong trào Bình dân học vụ 1945-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào “Bình dân học vụ số" ra đời với mục tiêu phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,  giúp người dân có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Việc trang bị tri thức số sẽ giúp người dân tự tin hơn trong môi trường số, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển của công nghệ.

Phát biểu tại Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng Bình dân học vụ số, chiều 26/3 ở Đại học Bách Khoa, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" và vì vậy “Cần phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là 'xóa mù' về chuyển đổi số". Thủ tướng nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc triển khai phong trào Bình dân học vụ số và học tập suốt đời. Thủ tướng đề nghị triển khai mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, đến sinh viên, thế hệ trẻ và toàn nhân dân Việt Nam tập trung thực hiện “ 1 mục tiêu, 2 phát huy, 3 bảo dảm, 4 nhiệm vụ trọng tâm" của phong trào. Theo đó, một mục tiêu là phổ cập tri thức, kỹ năng số cơ bản cho mọi người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau và ai cũng biết đến chuyển đổi số. Hai phát huy gồm phát huy và huy động tổng thể, có hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của xã hội, của doanh nghiệp và của toàn dân; và phát huy truyền thống văn hóa hiếu học, tinh thần học tập suốt đời, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam. Ba bảo đảm là bảo đảm các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để triển khai phong trào thiết thực, hiệu quả; thông suốt về hạ tầng, tính đồng bộ, tính liên kết, tính linh hoạt, không hình thức, màu mè và đúng đối tượng; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường công khai minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm xây dựng hệ sinh thái học tập số; tạo cơ chế khuyến khích và động lực học tập; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên số: xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả.

Nền tảng Bình dân học vụ số do Bộ Công an cùng Đại học Bách khoa triển khai quản lý và vận hành, được cung cấp tại binhdanhocvuso.gov.vn, đăng nhập xác thực bằng VNeID đã nhanh chóng được triển khai và chính thức vận hành rộng rãi trong cả nước từ 01/4/2025, có thể đáp ứng 400.000 người học cùng lúc, với 3.000 khóa học, cho phép xây dựng chương trình học liệu riêng. Nền tảng tích hợp sẵn các công cụ theo dõi quá trình học, đánh giá mức độ nghiêm túc, tính năng kiểm tra có giám sát bằng AI, đảm bảo kết nối với các hệ thống số khác, phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia và nhu cầu nâng cao kiến thức, trình độ chuyển đổi số rộng khắp cả nước.

Với quyết tâm chính trị cao, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc, với phương châm “ Triển khai nhanh chóng – Kết nối rộng khắp - Ứng dụng thông minh", sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả xã hội và mỗi người dân, chúng ta có quyền tin tưởng rằng phong trào Bình dân học vụ số sẽ lan tỏa sâu rộng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trong công cuộc chuyển đổi số. Khi mỗi người dân làm chủ công nghệ, lĩnh hội được tri thức số, xã hội sẽ tiến nhanh hơn trên con đường hiện đại hóa và hội nhập, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số tiên tiến, vững bước trong kỷ nguyên số hóa, mang lại lợi ích cho mọi người và cho quốc gia, dân tộc, tất cả vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.                                                                                                                                                                                             

   Vũ Hằng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,  tập 4.

2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,  tập 10.

3. Vũ Huy Phúc (1961): “Vài nét về phong trào thanh toán nạn mù chữ ở Việt Nam", Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 30 (1961), tr. 33.

4. https://baochinhphu.vn/thu-tuong-phat-dong-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-toan-dan-102250326173839409.htm

[1] Vũ Huy Phúc: “Vài nét về phong trào thanh toán nạn mù chữ ở Việt Nam"Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 30 (1961), tr. 33

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 10, tr. 125

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr.175.

[4] https://special.nhandan.vn/ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc/index.html​



Vũ Hằng

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐỒNG NAI​
116 Tổ 16 KP2 P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
​ Điện thoại: 02513. 808. 220 - Email: banb​ientaptctdn@gmail.com