Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". (Hồ Chí Minh)
QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ VẬN DỤNG HIỆN NAY TẠI ĐỒNG NAI

Tinh giản bộ máy nhà nước không phải là nội dung mới, mà là vấn đề luôn được nhiều nước trên thế giới quan tâm, thực hiện một cách quyết liệt, nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; thúc đẩy ý thức, tinh thần, trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Ở Việt Nam, vấn đề tinh giản bộ máy nhà nước không phải là vấn đề mới, mà luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm, chăm lo, thực hiện một cách mạnh mẽ, có chiến lược cụ thể. Với quan điểm bộ máy nhà nước là công cụ hữu hiệu để phục vụ nhân dân chứ không phải là gánh nặng cho nhân dân, ngoài đặc tính cách mạng, nhân văn và pháp lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả, tinh gọn của bộ máy hành chính nhà nước. Quan điểm Hồ Chí Minh về tinh giản bộ máy nhà nước là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước kế thừa, phát huy, vận dụng và phát triển trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh giản bộ máy nhà nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân, một nhà nước tiêu biểu luôn đặt lợi ích, quyền lợi, dân chủ nhân dân lên hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người đầu tiên phác thảo, khởi xướng và đặt nền móng cho việc đổi mới và tinh giản bộ máy nhà nước, hướng đến mục tiêu hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, một nhà nước bảo đảm về yếu tố tinh, gọn, mạnh, lấy chất lượng và tinh thần phục vụ Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết đó phải là bộ máy ít bộ - ngành, ít tầng nấc trung gian, ít cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu luôn hết sức gọn nhẹ. Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám chỉ gồm 15 thành viên; Chính phủ cách mạng lâm thời sau Cách mạng Tháng Tám vẫn gồm 15 thành viên với 13 bộ; Chính phủ liên hiệp kháng chiến năm 1946 chỉ gồm 12 thành viên và 10 bộ. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, vì sao công việc bộn bề mà chính phủ liên hiệp chỉ có 10 bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ". Song song với việc thiết lập bộ máy hành chính Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo xây dựng ủy ban nhân dân các cấp theo phương châm gọn nhẹ về tổ chức, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ. Người nói rõ: “ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương... ủy ban có từ 5 đến 7 người"[1].

Luôn đề cao nguyên tắc tinh gọn ngoài đặc tính “ít mà tốt", tính hiệu quả của bộ máy hành chính còn thể hiện ở khả năng tương tác giữa các bộ phận chức năng sao cho giữa họ vừa có sự phân định nhiệm vụ rõ ràng, vừa có sự phối hợp “ăn ý". Với tư duy khoa học và lòng tôn trọng mỗi con người, mỗi công việc trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả"[2]. Tinh gọn tức là không có ai thừa ra trong bộ máy đó, đồng bộ tức là hoạt động của một người, một bộ phận sẽ tác động đến sự vận hành của cả một bộ máy, hiệu quả tức là ít người mà làm được nhiều việc - đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.

          Tháng 8-1951 - thời điểm mà bộ máy hành chính của ta nhìn chung còn nhỏ gọn, cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố chủ trương “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất"[3]. Năm 1952, nói chuyện với cán bộ quân nhu, Người chính thức đưa ra khái niệm tinh giản bộ máy. Người nói: “Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức"[4]. Người nói rõ việc tinh gọn phải diễn ra trong toàn hệ thống chính trị chứ không chỉ trong các cơ quan hành chính: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản)... Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại"[5].

Như vậy, vấn đề giảm biên chế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra một cách quyết liệt với mục tiêu không chỉ “cắt bỏ cơ học" lao động dôi dư mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Người nhìn nhận tác dụng của công tác giảm biên không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa và đạo đức khi nó buộc cán bộ phải hoàn thiện mình về mọi mặt, phải nâng mình ngang tầm nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, mong muốn của nhân dân.

 2. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hệ thống giải pháp hữu hiệu để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả hiện nay tại Đồng Nai

Theo phương châm “muốn lúa tốt phải diệt cỏ", Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm cách nâng cao tính tích cực của nhân tố con người và triệt tiêu những nguyên nhân làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong công tác cán bộ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hệ thống giải pháp hữu hiệu để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, đó là: (1) Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao quyết tâm sửa đổi lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; (2) Tổ chức bộ máy một cách khoa học, sử dụng nhân lực hiệu quả; (3) Đẩy lùi căn bệnh tư túng, bè phái, địa phương chủ nghĩa của đội ngũ cán bộ có chức, có quyền; (4) Sử dụng đội ngũ trí thức làm công tác tư vấn về những vấn đề mà họ am tường; (5) Phát huy vai trò của cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Kế thừa tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta nhiều lần đề ra chủ trương sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị gắn với việc tinh giản biên chế, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết 18) và trên địa bàn Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực - đặc biệt sau khi sắp xếp, cấp tỉnh sẽ giảm 7 sở, ngành (từ 21 sở, ngành xuống còn 14 sở, ngành); giảm 19 phòng chuyên môn (từ 124 phòng xuống còn 105 phòng); cấp huyện/thành phố, sau khi sắp xếp, số lượng phòng chuyên môn trực thuộc UBND huyện là 121 phòng, giảm 15 phòng chuyên môn trực thuộc. Đối với các đơn vị không thuộc diện sắp xếp, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, nghiên cứu cắt giảm ít nhất 15% đơn vị đầu mối. Trên cơ sở sắp xếp bộ máy tinh gọn, phải song song với việc tinh giản biên chế, giảm ít nhất 20% cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; công tác sắp xếp tổ chức bộ máy phải hoàn thành trước ngày 20.2.2025 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Tỉnh ủy về tổng kết nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)[6]. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của công tác này cần phải thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Trước tiên, thường xuyên tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, yêu cầu, nội dung và tính cấp bách của việc tinh giản bộ máy Nhà nước trong giai đoạn hiện nay và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả. Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Đồng Nai hiểu sâu sắc về tính cấp thiết của việc tinh giản biên chế. Yêu cầu công tác tuyên truyền, giáo dục phải truyền đạt đầy đủ các chủ trương, quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, biện pháp, phương hướng và kế hoạch của Đảng, Nhà nước đến các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và các nội dung tại tỉnh Đồng Nai, gắn với các địa chỉ cụ thể thuộc diện tinh giản, sát nhập do yêu cầu của nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh nhà, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố lập trường cho các lực lượng thuộc diện phải tinh giản biên chế, thực hiện tất cả vì lợi ích chung. Tăng cường công tác năm bắt tư tưởng, tình hình dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác này để kịp thời điều chỉnh, định hướng, cung cấp thông tin.

Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham mưu, đóng góp ý kiến của các đơn vị và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, nhất là ý kiến góp ý của Nhân dân về tinh giản bộ máy nhà nước. Việc tinh giản biên chế bộ máy nhà nước là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị để quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, cần phải phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc đề ra mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, lộ trình cụ thể của việc tinh giản bộ máy nhà nước, từ đó, làm cơ sở nền tảng cho các lực lượng có liên quan, cùng toàn dân cho ý kiến để lựa chọn phương án phù hợp. Phát huy tinh thần dân chủ, khách quan, truyền thống đoàn kết, nhân ái, chung sức, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ tinh giản bộ máy nhà nước. Tránh tình trạng áp đặt, chủ quan, gượng ép hoặc nóng vội, dẫn đến những quyết định sai lầm, thiếu chuẩn xác trong quá trình tinh giản bộ máy.

Thứ ba, phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đội ngũ này phải có quyết tâm cao, nghị lực lớn, có tinh thần ý chí cách mạng, thực hiện với tinh thần tất cả vì lợi ích chung trong tinh giản bộ máy nhà nước; thậm chí hy sinh lợi ích cá nhân để hướng đến mục tiêu chung, lợi ích to lớn. Đồng thời, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách, thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là công việc khó khăn, phức tạp nhưng đây là yêu cầu khách quan, đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Ban đầu sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện, ổn định tâm lý, tư tưởng của các cán bộ, công chức, tuy nhiên về lâu dài hiệu quả mang lại rất lớn về tiết kiệm chi ngân sách, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

 

Trịnh Tình

 ​



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 146.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 219.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 164.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr.  432.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 367.

[6] https://daibieunhandan.vn/dong-nai-hoan-thanh-viec-sap-xep-to-chuc-tinh-gon-bo-may-truoc-ngay-2022025-post402595.html



Trịnh Thị Tình

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐỒNG NAI​
116 Tổ 16 KP2 P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
​ Điện thoại: 02513. 808. 220 - Email: banb​ientaptctdn@gmail.com