Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". (Hồ Chí Minh)
NHỮNG TƯ TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN VÀ TIẾN BỘ CÁCH MẠNG CỦA CHÍ SỸ YÊU NƯỚC HUỲNH THÚC KHÁNG

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX, Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào yêu nước tiến bộ. Cuộc đời ông là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, hiếu học, có nếp sống thanh cao giản dị, không màng tới công danh, địa vị, suốt đời vì dân vì nước. Huỳnh Thúc Kháng là nhà trí thức có cốt cách tinh thần khẳng khái, tư duy sâu rộng, với những tư tưởng nhân văn, tân thời. Những quan điểm, tư tưởng cách mạng tích cực đó của ông được thể hiện xuyên suốt trong suốt quá trình hoạt động, trên nhiều lĩnh vực quan trọng của xã hội.

Trước hết, Huỳnh Thúc Kháng rất đề cao tầm quan trọng của công việc khai trí, khai sáng cho nhân dân.

Huỳnh Thúc Kháng là một trong số ít những văn thân sĩ phu yêu nước nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc khai thông, mở mang dân trí cho nhân dân bằng con đường học tập. Những năm đầu thế kỉ XX, cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần tạo dựng được một phong trào Duy tân rộng khắp Trung kì. Phong trào hướng đến cải cách giáo dục, xây dựng một nền giáo dục mới tân tiến, phê phán quyết liệt nền giáo dục phong kiến đã lỗi thời, lạc hậu. Mặc dù chính các ông cũng đã từng được tôi luyện, thành danh trong nền học vấn ấy. Nhưng khi nhận ra đó là lối học cổ hủ, kéo lùi sự phát triển xã hội, các ông đã dứt khoát, quyết liệt từ bỏ với tinh thần cải cách triệt để: Không chỉ phê phán, các ông còn bắt tay vào thiết kế, xây dựng và thực thi một nền giáo dục tân tiến. Trong quan niệm của Huỳnh Thúc Kháng, muốn đất nước phát triển, “sự học" phải được đặt lên hàng đầu, phải được quan tâm thỏa đáng. Bởi vậy, trong bài phát biểu tại kỳ đại hội thứ ba của Viện Dân biểu Trung Kỳ ngày 1/10/2928, Huỳnh Thúc Kháng đã thẳng thắn phê phán chính sách ngu dân của nhà cầm quyền Pháp: “Dân An Nam là một dân tộc sẵn có văn hóa mấy trăm đời, ai cũng công nhận sự học là sự cần thiết nhất xem như tính mệnh, tài sản, không có không sống được. Vậy mà nhà nước một nói rằng khai hóa, hai nói rằng hợp tác, song về đường học giới không chịu châm chước thế nào cho thỏa hiệp. Xứ Trung Kỳ bây giờ học cũ đã bỏ hẳn, mà học mới trăm phần chưa được một, trường công không đủ dùng mà trường tư thì không có, gia dĩ chương trình hạn chế, quy luật ngăn ngừa dân thì lấy sự học làm sinh mệnh mà quan xem sự học như thù nghịch thì ức vạn thiếu niên An Nam sẽ thành ra một bọn thất nghiệp".

Huỳnh Thúc Kháng coi việc khai minh là yếu tố quan trọng, là tiền đề để thực hiện quyền tự quyết dân tộc, quyết định sự tồn vong của một quốc gia. Bởi theo ông: “Dân có sang hèn thì cốt tại trình độ thế nào mà chính ở thời đại nhân đạo này, dân tộc nào mà dân đức hoàn toàn, dân trí khai thông, dân khí mạnh mẽ thì dân tộc ấy có quyền tự quyết, dân tộc nào mà dân đức, dân trí, dân khí không có thì dân tộc ấy phải tiêu diệt, lệ chung đó không sao tránh được". Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện những kiến thức mới mẻ, những quan điểm tư tưởng tiến bộ về vấn đề giáo dục khá sâu sắc. Những kiến giải của ông về giáo dục rất toàn diện, một mặt, ông chỉ rõ sự hạn chế, lạc hậu trong chính sách, lối học ngu dân dưới sự cai trị của người Pháp, đồng thời nêu bật những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và sự cần thiết phải học tập kinh nghiệm của các nước như Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Trung …Ông đã dịch, bình luận về giáo dục bậc tiểu học và việc đào tạo giáo viên tiểu học qua kinh nghiệm nhiều nước với những nhận xét tiến bộ, giới thiệu về nghĩa vụ giáo dục nhân văn ở một số nước phát triển. Từ đó ông kết luận chính cách giáo dục là yếu tố quyết định vận mệnh đi lên hay bước lùi đi xuống của dân tộc. Ông cũng đã chỉ rõ giáo dục phải phục vụ yêu cầu của xã hội, phải dạy thực hành trước rồi dạy lý luận sau và phải dùng phép thực nghiệm để dạy hơn là dùng sách vở. Đây chính là tư tưởng hết sức tiến bộ, thể hiện phương châm học đi đôi với hành, lí luận gắn với kiểm nghiệm thực tiễn xã hội mà cho đến hôm nay, nền giáo dục vẫn đang cần phải hướng đến thực hiện.

Với tư tưởng tiến bộ như vậy, trong phong trào Duy Tân đổi mới ở Quảng Nam lúc đó, chỉ trong một thời gian ngắn đã có 40, 50 ngôi trường tân học. Trường dạy chữ Quốc ngữ, không dạy theo bài bản Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bảo giám mà dạy lịch sử Việt Nam và thế giới, địa lý, khoa học tự nhiên, toán pháp... Nhiều trường còn thu nhận nữ sinh, đấy là điểm mới mẻ, đặc biệt, thể hiện tính công bằng trong giáo dục mà phong trào đã đề xướng, điều mà trước đây hầu như không có. Học sinh có trường còn được học tiếng Pháp, tiếng Nhật, học thể dục và võ thuật. Nhiều trường có tổ chức đời sống nội trú rất chu đáo, nhiều trường thực hiện mô hình giáo dục theo hình thức “thả canh, thả học", hiện nay chúng ta gọi là vừa học vừa làm....Trong 3 năm hoạt động với tư cách là Viện trưởng Viện Dân biểu (1926 – 1928) và thông qua báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng cùng nhóm dân biểu tiến bộ đã vạch trần chính sách cai trị nô dịch, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến, đấu tranh những quyền lợi chính đáng cho nhân dân, mà một trong số những chính sách được ông đề đạt hàng đầu đó là mở thêm trường học, thi hành chính sách giáo dục bắt buộc. Tuy những đề nghị cải cách đó vẫn nằm trong khuôn khổ những yêu sách cải lương nhưng nó đã cho thấy: vượt qua những giới hạn của lối tư duy cũ kĩ đương thời, Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện một luồng tư tưởng rất mới mẻ, nhân văn và tiến bộ. Ông biết nhận ra giá trị của sự cần thiết phải nâng cao dân trí để chấn hưng, phát triển đất nước bằng một nền giáo dục tân tiến, biết tiếp thu những cái mới, gạt bỏ cái lỗi thời, lạc hậu và tích cực áp dụng nó vào hiện thực. Quan niệm khai thông, khai trí, đổi mới học tập không những phù hợp với điều kiện lịch sử đương thời mà nó còn là chân lí của mọi thời đại.

Thứ hai, Huỳnh Thúc Kháng đặc biệt quan tâm và chú trọng đến hoạt động xây dựng Hiến pháp

Trong suốt quá trình hoạt động của mình, Huỳnh Thúc Kháng đã luôn thẳng thắn phê phán những chính sách cai trị hà khắc của chính quyền thuộc địa, đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực, chính đáng cho nhân dân. Trong đó, đặc biệt, ông đã đề cập tới việc phải xây dựng, thiết lập một hiến pháp cho chính quyền bản xứ dựa trên cơ sở thực hành đúng chế độ bảo hộ, đòi quyền dân tộc tự quyết, tam kỳ hợp nhất để từ đó, xây dựng quốc gia có chủ quyền thực sự, lập hiến pháp, quy định quyền hành chính của Nam triều, quyền kiểm soát của Chính phủ và quyền lập pháp của Viện dân biểu. Ba yêu cầu cụ thể mà ông đã vạch ra là:

- Yêu cầu toàn quyền Đông Dương đề xuất với chính quyền mẫu quốc Pháp cho phép triều đình Bảo Đại công bố sự cần thiết có hiến pháp mới

- Điều tra và trưng cầu đóng góp của người dân về dự thảo hiến pháp

- Mở rộng quyền lực cho Viện Dân biểu Trung Kỳ theo hình thức phổ thông đầu phiếu

Có thể khẳng định, Huỳnh Thúc Kháng là một trong số ít những chí sĩ, nhà nho yêu nước của Việt Nam đã tiếp thu tư tưởng lập hiến tiến bộ nhất của nhân loại thời kỳ đầu thế kỷ XX - tư tưởng nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, nhân dân có quyền lập pháp, lập hiến. Ông đã sớm ý thức được việc thiết lập, xây dựng Hiến Pháp là một nhu cầu tất yếu, bức thiết với An Nam lúc bấy giờ. Đó là công cụ để quản lý xã hội, phân định rõ chức năng, quyền hạn và để kiềm chế quyền lực của chính quyền. Trong bài phát biểu tại kỳ Đại hội thứ ba của Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1927, ông khẳng định: “Chúng tôi sở dĩ nói đến vấn đề hiến pháp là vì thấy rõ trong xứ Trung Kỳ này phụ thuộc dưới quyền bảo hộ gần nửa thế kỉ nay, mà chính thể trong xứ quyền hạn không được rõ ràng, trách nhiệm không được đảm thụ, trăm điều rắc rối bởi đó mà ra… Quốc thị đã mơ màng thì nhân dân không biết đường nào xu hướng, đó là cái lẽ tự nhiên. Bởi vậy, để cho cuộc trị an trong xứ được lâu dài cùng các dây liên lạc giữa người Pháp cùng người Nam bền chặt thì cần thiết phải có một cơ thể chính trị, chia bộ phận mà có trách nhiệm, định quyền hạn mà có quy thức, để chỉnh đốn việc lợi ích chung trong xứ. Đó là một điều cốt yếu tức là Hiến pháp vậy"[1]. Trong diễn văn đọc trước Viện dân biểu Trung Kỳ ngày 01/10/1928, Huỳnh Thúc Kháng khẳng định tầm quan trọng của Hiến pháp và nêu đề nghị cụ thể để tiến hành xây dựng Hiến pháp: “Nhà nước mà cho Hiến pháp là một cái nền nếp chính trị bền vững, lâu dài trong xứ này, hợp với toàn thể nguyện vọng nhân dân thì xin:

- Xứ An Nam phải lập một cái Hiến pháp

- Lập một hội gọi là dự thảo Hiến pháp

- Chú ý để cho nhân dân được tự do đầu phiếu"[2]

Điểm sáng trong tư tưởng lập pháp của Huỳnh Thúc Kháng đó là Hiến pháp phải được lập ra dựa trên trưng cầu ý nguyện của dân. Ông chỉ ra con đường xây dựng bản hiến pháp cho nước Việt Nam là phải lập ra “một hội gọi là dự thảo hiến pháp" và phải chú ý để nhân dân tự do đầu phiếu. Huỳnh Thúc Kháng đã phản bác mạnh mẽ quan điểm “dân An Nam chưa có trình độ lập hiến" của chính quyền thuộc địa với những lập luận sắc sảo và thuyết phục, đồng thời thể hiện tư duy về việc xây dựng và thi hành Hiến pháp rất toàn diện. Ông nói: “chúng tôi nói thế chắc Nhà nước bảo rằng: nhân dân chưa có trình độ lập hiến, chúng tôi vẫn công nhận nhân dân xứ này chưa được toàn thể hiểu cái chính thể mới có, song xin thưa rằng: “Đường đi mà sau tới nơi, người có học mà sau mới biết chữ", nay chưa đi mà bảo đường đi này không tới được, chưa học mà bảo rằng mày không phải là đứa biết chữ thì dẫu trăm ngàn năm cũng không sao tới nơi và biết chữ được"[3]. Trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, vì vậy Hiến pháp phải là văn bản thể hiện ý nguyện của nhân dân, phải do nhân dân trực tiếp thông qua. Đó là điều kiện quan trọng bảo đảm cho nội dung, tinh thần của hiến pháp phù hợp với ý chí toàn thể quốc dân, đồng bào. Theo ông, để thiết lập một bản hiến pháp cần phải có những yếu tố căn bản thì văn bản ấy mới mong có thực chất và giá trị. Những yếu tố căn cơ đó là phải được xây dựng trên nền tảng dân tộc, cương giới quốc gia và tình hình chính trị cụ thể trong nước, trên cơ sở tất cả các hoạt động tinh thần cũng như vật chất của toàn thể quốc dân. Khi đã có Hiến pháp, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, ai cũng có nghĩa vụ phải nghiêm chỉnh thực hiện.

Mặt khác, Huỳnh Thúc Kháng cũng là người sớm nhận thấy chính thể quân chủ không còn phù hợp với nước ta về đề nghị xác lập chế độ dân chủ. Tháng 3/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Huỳnh Thúc Kháng đã khước từ lời mời tham gia nội các của Bảo Đại và thẳng thắn nói về việc không nên duy trì chính thể quân chủ chuyên chế nữa, ông cho rằng nó đã lạc hậu, không còn phù hợp với thời cuộc. Và khẳng định: chủ nghĩa dân chủ với chủ trương liên hiệp hết thảy quốc dân đồng bào, đoàn kết tất cả các đảng phái, tôn giáo, giai cấp để “ra sức phụng sự Tổ quốc" mới là con đường đúng đắn, hợp thời. Bởi theo ông “ngày nay là ngày dân quyền phát đạt, khắp trong thế giới chữ dân đã hiện thành một chữ rất to lớn, nét ngang sổ dọc, đá ngược, vác xiên, sáng chói rõ ràng như mặt trời treo giữa khoảng không, gần tóm cả loài người trên mặt địa cầu, thâu vào dưới bóng sáng đó". Nói cách khác, Huỳnh Thúc Kháng đã hiểu rõ về vai trò và tầm quan trọng của nhân dân, hơn ai hết, nhân dân chính là lực lượng vĩ đại nhất trên thế giới, và việc thành lập chính thể cuả nhân dân sớm muộn gì cũng phải diễn ra, nó là tất yếu.

Thứ ba, tư tưởng tiến bộ của Huỳnh Thúc Kháng còn được thể hiện ở quan điểm cần phải có sự kiểm soát đối với quyền lực.

Huỳnh Thúc Kháng cho rằng sinh hoạt chính trị trong một nước muốn tránh tình trạng lạm quyền, độc đoán… thì cần phải có các đảng đối lập. Như vậy thì chính trị mới trở nên trong sáng, cởi mở, quốc gia mới có dân chủ thật sự. Tuy nhiên, các đảng phái ấy phải không được ghanh ghét, chống đối, bài xích nhau mà phải biết chia sẻ, hợp tác, cùng nhau hoạt động nhằm mưu cầu lợi ích chung cho quốc gia, dân tộc. Ông bày tỏ: “Tôi tuy không đảng phái, nhưng vẫn nhận thấy trong một nước cần có đảng phái, nhiều đảng phái để kềm chế lẫn nhau, tránh cái nạn độc tài, độc đoán như dưới chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa" và “các đảng phái ấy phải liên hợp với nhau". Bởi vậy, khi các đảng phái tranh chấp quyền lợi, mưu cầu lợi ích riêng vào những năm đầu 1945-1946, lúc nước nhà mới giành độc lập, ông đã cực lực phê phán và thẳng thắn chỉ trích: “Thưa quý ngài. Tôi nói ngay, tôi dám chê quý ngài dòm gần mà không dòm xa, thấy cái nhỏ mà không thấy cái lớn, biết bộ phận mà không biết cái toàn thể. Tôi dám chắc tình trạng này mà kéo dài ra nữa thì dân Việt Nam chúng ta trở lại làm nô lệ, mà đảng của quý ngài cũng lại làm đảng lưu vong". Phải khẳng định rằng, Huỳnh Thúc Kháng rất sắc bén và nhanh nhạy trong cách nhìn nhận vấn đề và thời cuộc, dám bày tỏ thẳng thắn những quan điểm của mình, thực sự là người có tầm nhìn xa trông rộng. Ông ý thức được rất rõ về vấn đề độc quyền, lạm quyền và nắm được cơ chế để kiểm soát quyền lực đó. Việc hình thành Đảng phái là một nhu cầu tất yếu, cần phải có, song tinh thần đoàn kết, liên kết bền chặt giữa các đảng phái để mưu cầu lợi ích chung cho tổ quốc mới là vấn đề quan trọng, cấp bách.

Tóm lại, những tư tưởng trên đây của Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện được một thế giới quan khá mới mẻ, là những tư duy hết sức tích cực, tiến bộ, đã vượt qua được những hạn chế nhất định của xã hội đương thời. Dù còn chưa triệt để và toàn diện, song phải khẳng định rằng, Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhà trí thức cách mạng tiên phong, mở lối trong việc tiếp nhận và thực hiện những luồng gió cách tân, đổi mới, biết tiếp thu những giá trị tiên tiến, văn minh của nhân loại. Cuộc đời hoạt động của Huỳnh Thúc Kháng là cuộc đời của một trí thức không màng hoa vinh, danh lợi, suốt đời đấu tranh cứu nước, cứu dân, bất chấp tù đày, gian khổ. Đó là cuộc đời của một nhà hoạt động thấm nhuần truyền thống yêu nước của dân tộc, luôn biết lĩnh hội, nhận thức sâu săc những giá trị tiến bộ, nhân văn và tích cực cống hiến với phong trào cách mạng của đất nước.

 ​

 



[1] Chương Thâu, Phạm Ngô Minh Huỳnh Thúc Kháng, Nxb. Đà Nẵng 1989, tr. 355

[2] Sđd, tr57

[3] Sđd, tr57​



Yến Đặng

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐỒNG NAI​
116 Tổ 16 KP2 P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
​ Điện thoại: 02513. 808. 220 - Email: banb​ientaptctdn@gmail.com