Triết học Mác- Lênin- một trong ba bộ phận hợp thành Chủ nghĩa Mác- Lênin, là môn học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong Chương trình trung cấp lý luận chính trị. Đối với trường Chính trị cấp tỉnh, giảng dạy triết học Mác-Lênin (THMLN) nhằm trang bị cho người học sự hiểu biết THMLN, qua đó trang bị cho họ thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và phương pháp nhận thức khoa học đúng đắn, góp phần tích cực trong việc hình thành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý vận dụng một cách sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các chủ trương, quy định của cấp ủy, chính quyền địa phương vào thực tiễn công tác; hình thành đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn và có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định với con đường cách mạng của Đảng; có khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin một cách có hiệu quả và đề ra những quyết sách chính xác; có năng lực tổ chức và tổng kết thực tiễn một cách khoa học. Do đó, nâng cao chất lượng giảng dạy THMLN là nhiệm vụ quan trọng đối với các trường Chính trị cấp tỉnh.
Hoạt động giảng dạy và học tập môn THMLN tại trường Chính trị tỉnh Đồng Nai được thực hiện theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21/01/2021 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị). Về cơ bản, nội dung chương trình môn học THMLN đảm bảo số tiết và các nội dung bài học theo hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện nay, việc giảng dạy môn THMLN do Khoa Lý luận cơ sở đảm nhận. Khoa đã phân công các giảng viên (GV) phụ trách các chuyên đề, bài giảng cụ thể. Có 05 GV tham gia giảng dạy môn THMLN, tất cả đều có trình độ Thạc sĩ trở lên, trong đó có 01 Tiến sĩ; 02 GV và 02 GV chính, 01 chuyên viên chính. Ngoài ra, trong một số thời điểm, nhà trường mời thêm một số GV là GV chính, GV cao cấp là những người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức thực tiễn sâu rộng cùng tham gia giảng dạy với Khoa.
Trong những năm qua, việc tổ chức giảng dạy bộ môn trong chương trình TCLLCT ở Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả tích cực. GV nghiên cứu sâu những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn để áp dụng vào soạn, giảng đạt chất lượng tốt. Theo kết quả khảo sát 202 HV ở một số lớp TCLLCT tại trường cho kết quả như sau: HV đánh giá tương đối cao về việc GV “thường xuyên cập nhật các nội dung và thông tin mới liên quan đến môn học" với 96,1 % ý kiến và “khả năng gắn lý thuyết và thực tiễn trong giảng dạy" với 95,1 % ý kiến đánh giá ở mức “rất tốt" và “tốt"[1]. Kết quả đó cho thấy, trên cơ sở những kiến thức lý luận “khô khan", GV đã “thổi hồn" vào đó hơi thở của cuộc sống bằng những ví dụ thực tiễn phong phú, sinh động. Môn THMLN trong suy nghĩ của đa phần HV thường là khó, khô khan, gây tâm lý chán nản, dẫn đến chưa có động cơ tích cực trong học tập. Do vậy, bên cạnh việc diễn đạt dễ hiểu các nội dung, các khái niệm, phạm trù, quy luật, … những GV đã biết đưa những ví dụ thực tiễn, lấy dẫn chứng minh họa cho các quan điểm lý luận. Sự kết nối giữa lý luận và thực tiễn làm cho các bài giảng thêm sức sống, không “sáo rỗng" và “thu hút" được sự tham gia tốt hơn của người học.
Việc kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống là thuyết trình với các phương pháp giảng dạy tích cực đã tạo được sự hứng thú cho người học góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn THMLN. Kết quả khảo sát mức độ đánh giá của HV về phương pháp sư phạm của đội ngũ GV giảng dạy THMLN cho thấy, đại đa số HV đánh giá rất tốt và tốt về phương pháp của GV, có 68,3% ý kiến đánh giá ở mức độ rất tốt với phương pháp giảng dạy dễ hiểu.[2] GV luôn nêu cao tính tích cực, chủ động trong tự nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn thông qua nhiều kênh thông tin, bồi dưỡng kiến thức lý luận và thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy-học; đổi mới hình thức, phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên luôn được chú trọng. Nhờ đó, chất lượng giảng dạy THMLN đã đi vào chiều sâu, qua mỗi bài giảng, sự kết nối của GV với học viên qua từng hoạt động học tập được tăng cường; tinh thần, thái độ, ý thức học tập môn THMLN của học viên rất tốt-điều này được thể hiện ở ý thức tham gia học tập trên lớp và các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế trong quá trình học tập. Trình độ về nhận thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được nâng cao, các cán bộ vận dụng được kiến thức đã học vào thực tiễn tại địa phương, đơn vị; phần đông học viên phát huy tốt hiệu quả sau đào tạo, nhiều đồng chí giữ các cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở; góp phần quan trọng trong việc từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chính trị; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
Song, thực tiễn cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giảng dạy môn THMLN cũng còn những hạn chế, bất cập như: trong nội dung, chương trình môn học THMLN vẫn khá nặng về lý thuyết; phương pháp giảng dạy của một số GV còn đơn điệu, chưa khai thác được các yếu tố công nghệ trong giảng dạy cho nên khi khảo sát có 3,5% HV (7/202 phiếu khảo sát) đánh giá ở mức yếu; cơ sở vật chất, thư viện chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người học vì vậy có 5% HV (10/202 phiếu khảo sát) đánh giá ở mức yếu.[3]
Do đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy môn THMLN trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các Khoa, Phòng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn THMLN tại trường Chính trị tỉnh Đồng Nai.
Đây là giải pháp có tính chất cơ bản quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung, chất lượng giảng dạy môn THMLN nói riêng. Bởi nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo không chỉ bảo đảm cho quá trình nâng cao chất lượng giảng dạy ở Nhà trường được tiến hành thuận lợi, vững chắc, mà còn tạo cơ sở để phát huy hiệu quả của quá trình đối với thực hiện các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy.
Thứ hai, nâng cao bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ GV giảng dạy THMLN
Phát triển và hoàn thiện đội ngũ GV THMLNcả về tri thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức, năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Trong điều kiện hiện nay, khi cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa mang tính hai mặt đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới luôn thay đổi và có diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khi các thế lực thù địch vẫn tăng cường thực hiện “diễn biến hòa bình" đối với nước ta, đòi hỏi GV giảng dạy môn THMLN phải có hiểu biết thấu đáo về tri thức triết học Mác- Lênin, Lịch sử triết học, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và có hiểu biết rộng về tri thức khoa học liên ngành, nhất là tri thức hiện đại (về đặc điểm mới của thời đại, toàn cầu hóa, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, phát triển bền vững, những vấn đề toàn cầu, biến đổi khí hậu…). Đồng thời, phải hiểu sâu sắc về thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế. Những tri thức khoa học nói trên phải được thâm nhập và hòa quyện vào bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng của người GV tạo nên một nhà khoa học, một nhà giáo và chuyên gia về công tác tư tưởng.
Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và cập nhật kiến thức cho đội ngũ GV theo các lĩnh vực chuyên môn, tạo môi trường, điều kiện và động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của GV. Phát triển và hoàn thiện đội ngũ GV cả về tri thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức và cả về năng lực giảng dạy và nghiên cứu, từ đó mới truyền cảm hứng, niềm tin, sự thuyết phục cho học viên, lý luận phải gắn với thực tiễn, gợi mở cho học viên áp dụng lý luận đó vào thực tiễn công tác và cuộc sống một cách hiệu quả.
Thứ ba, hoàn thiện quy chế đào tạo, quản lý, đánh giá học viên, xây dựng môi trường học tập và rèn luyện đảm bảo chất lượng, dân chủ
Ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV là vấn đề cốt lõi bởi vai trò, phương pháp truyền đạt của GV là cực kỳ quan trọng. Song, cũng thấy rằng từ thực trạng đã qua, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cơ quan chủ quản trong việc học của cán bộ, đảng viên, xem đó là một trong những tiêu chuẩn xem xét đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên. Đồng thời, kịp thời nhắc nhỡ kể cả có hình thức xử lý những cán bộ, đảng viên lười học lý luận chính trị “yếu kém về chính trị".
Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại
Kết luận số 479-KL/HVCTQG ngày 26/09/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “về xây dựng trường Chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học giai đoạn hiện nay", trong đó phấn đấu về cơ ở vật chất, kỹ thuật từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trường Chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt những tiêu chí như: có khuôn viên độc lập, không gian cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng, có nhà làm việc của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng; có phòng họp, phòng hội thảo, phòng khách, nhà đa chức năng; có khu giảng đường riêng với nhiều loại phòng học đáp ứng nhu cầu học viên mỗi lớp khác nhau; phòng học được trang bị hiện đại; có thư viện, phòng đọc, tài liệu được số hóa, kết nối mạng toàn cầu; có hệ thống trực tuyến kết nối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường Chính trị trong cả nước; có ký túc xá, khu dành riêng cho hoạt động tập thể, nhà ăn, nhà để xe; có hệ thống cấp thoát nước, thu gom rác thải, phòng vệ sinh,…
Tại trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, nhằm hướng tới “Nhà trường là nền tảng, học viên là trung tâm, đội ngũ GV giữ vai trò là động lực" và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, học tập trong giai đoạn mới. Đồng thời, để Trường Chính trị tỉnh có cơ sở vật chất xứng tầm đảm bảo theo Quy định 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường Chính trị chuẩn, trong thời gian tới nhà trường phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy, học, nghiên cứu khoa học tốt, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng toàn diện. Vì vậy, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch thực hiện lâu dài là rất cần thiết.
Thứ năm, phát huy vai trò của học viên trong việc học tập THMLN
Hoạt động dạy và học chỉ có thể đạt kết quả cao khi có sự tác động tích cực từ cả hai phía là GV và học viên. Tuy vậy, để học viên thực sự yêu thích môn học nhất là môn học lý luận như THMLN thì GV đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, để xóa bỏ những định kiến không tốt về môn học, ngay từ những buổi đầu, GV phải nêu lên những lợi ích, những điểm thú vị của môn học để khơi dậy trong học viên niềm yêu thích đối với THMLN. Quá trình giảng dạy cần thường xuyên tương tác, trao đổi với học viên, qua đó từng bước phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong việc tìm tòi, khám phá tri thức của môn học triết học Mác- Lênin. Theo đó, GV phải là người khơi nguồn sáng tạo, kích thích tính chủ động, tích cực của học viên trong quá trình học tập chứ không chỉ truyền thụ kiến thức một chiều theo kiểu “thầy giảng - trò nghe", “thầy đọc - trò chép" mà GV phải là người nêu ra những vấn đề buộc học viên phải chủ động trong việc nghiên cứu tài liệu, tích cực tư duy, tìm kiếm câu trả lời cho mỗi vấn đề đặt ra. Đối với học viên, cần chủ động và nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình học tập. Kết quả học tập là căn cứ để cơ quan, đơn vị cử đi học đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Những giải pháp quan trọng trên cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt để tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy THMLN; góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn hóa về mọi mặt để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trường Chính trị Đồng Nai trở thành trường Chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025 và những năm tiếp theo. /.
[1] Nguyễn Ngọc Thắm (2024), “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn triết học Mác- Lênin tại trường Chính trị Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay", Đề tài khoa học cấp cơ sở tại Trường Chính trị Đồng Nai
[2] Nguyễn Ngọc Thắm (2024), “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn triết học Mác- Lênin tại trường Chính trị Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay", Đề tài khoa học cấp cơ sở tại Trường Chính trị Đồng Nai
[3]Nguyễn Ngọc Thắm (2024), “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn triết học Mác- Lênin tại trường Chính trị Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay", Đề tài khoa học cấp cơ sở tại Trường Chính trị Đồng Nai