TÓM TẮT
Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề quan trọng được xã hội đặc biệt quan tâm, bởi nó tác động rất lớn đến mọi hoạt động của cuộc sống của con người. Thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" giai đoạn 2021- 2025, phụ nữ Đồng Nai tiếp nối truyền thống “miền Đông gian lao mà anh dũng", đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, tích cực, chủ động trong tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động đó được thể hiện rõ trong việc các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tham gia các phong trào bảo vệ môi trường như giữ gìn vệ sinh chung, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp…; đề xuất các sáng kiến, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường… Để các hoạt động này được triển khai hiệu quả, đi vào chiều sâu thì cần có những giải pháp mang tính thiết thực và đột phá, từ đó, giúp cho vai trò của phụ nữ ngày càng được phát huy trong hoạt động bảo vệ môi trường góp phần thực hiện đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Từ khoá: phụ nữ, Đồng Nai, môi trường, nông thôn mới, hoạt động.
Môi trường sống trong lành là điều kiện quan trọng, thiết yếu để con người cũng như mọi sinh vật trên trái đất có thể tồn tại, hoạt động và phát triển. Chính vì vậy, hiện nay đứng trước sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu, môi trường có nguy cơ ô nhiễm trầm trọng, con người cần phát huy ý thức trách nhiệm của mình, cùng chung tay tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường để góp phần xây dựng một môi trường sống trong lành, xanh, sạch, đẹp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của môi trường sống và xác định rõ trách nhiệm của mình, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" giai đoạn 2021- 2025, phụ nữ Đồng Nai ở các cấp hội đã phát huy mạnh mẽ vai trò, tính tích cực, chủ động trong tổ chức và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với nhiều nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao.
Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Chính vì vậy, nhiệm vụ này được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân ở mọi vùng miền; trong đó, phụ nữ chính là một lực lượng đông đảo, có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Phụ nữ Đồng Nai hiện nay có khoảng 714.437 người do các cấp Hội Phụ nữ quản lý với 13 đơn vị Hội Phụ nữ cấp huyện, 170 cơ sở Hội, 934 chi hội với 440.471 hội viên. Phụ nữ Đồng Nai có nhiều đối tượng, thành phần, trình độ… không đồng nhất, xuất phát từ nhiều lý do như: quá trình di dân sau năm 1954, xây dựng vùng kinh tế mới, người dân ở nhiều vùng, miền đến Đồng Nai làm công nhân và có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo… cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Chính những điều đó đã có tác động đến tâm lý, tính cách, nhận thức của phụ nữ Đồng Nai. Ngoài đặc điểm của phụ nữ miền Đồng Nam bộ chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ, bản lĩnh, kiên cường, trách nhiệm thì phụ nữ Đồng Nai còn chịu ảnh hưởng bởi đặc điểm tâm lý, tính cách của các vùng miền khác. Đây vừa là yếu tố thuận lợi nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ bảo vệ môi trường.
Ngoài việc hưởng ứng thực hiện các tiêu chí về xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp thì tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh hiện nay đã tác động đến việc phụ nữ Đồng Nai xác định trách nhiệm của mình trong tham gia bảo vệ môi trường. Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp nên ô nhiễm chủ yếu từ các nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản; ngoài ra còn từ rác thải ở các làng nghề, rác thải sinh hoạt, y tế, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chất thải rắn…, trong đó nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn nhất, với tải lượng các chất ô nhiễm rất cao. Biến đổi khí hậu làm cho khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Các cơn mưa lớn, bão lũ không những làm mất mùa màng, giá nhiên liệu, giá thực phẩm tăng cao làm tổn thất về kinh tế mà còn làm cho ngập lụt ở các khu dân cư, các con đường bị xói mòn, hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ở các huyện Nhơn Trạch và Long Thành, biến đổi khí hậu còn làm mặn xâm nhập sâu vào đất liền và gây ảnh hưởng đến các vùng nuôi trồng thủy sản, làm giảm năng suất nuôi thủy sản; nhiều diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới; tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, nguy cơ cháy rừng do nhiệt độ tăng cao trở thành nguyên nhân chính khó kiểm soát để đảm bảo an toàn cho diện tích rừng phòng hộ tại khu vực xã Phước An (huyện Nhơn Trạch). Rừng tre nứa La Ngà là khu vực nhạy cảm với nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Khi nhiệt độ gia tăng theo kịch bản, đến năm 2050, nguy cơ mất diện tích rừng tre nứa trở nên rất lớn, kéo theo nguy cơ đe dọa sự an toàn cho ổ sinh thái của loài voi châu Á trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cũng là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của sự gia tăng nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Những ảnh hưởng của sự gia tăng nhiệt độ đến năm 2050 lên khu vực này có thể dẫn tới sự thay đổi cấu trúc loài thực vật ưu thế, đặc trưng và diễn thế sinh thái có thể diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho độ đa dạng sinh học khu vực này (suy giảm số loài ưa bóng, ưa ẩm…tại các quần xã đang hiện diện). Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dân cư chịu các tác động, rủi ro do thời tiết bất thường tập trung ven sông Đồng Nai trên địa bàn các huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch, huyện Vĩnh Cửu (khu vực gần hồ Trị An) và thành phố Biên Hòa với các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người tàn tật và phụ nữ tập trung ở những khu vực xảy ra hạn hán, ngập lụt và nắng nóng kéo dài.
Nhận thức rõ về những nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường như: triển khai thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiếu chất thải nhựa; ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 24/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng Kế hoạch 5973/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 28/5/2020 về triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2020-2025… Bên cạnh đó còn có các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Đây là căn cứ để các cấp, các ngành, các tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Từ đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường.
1. Hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường.
Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân về bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu được các cấp hội quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh triển khai thực hiện. Hoạt động tuyên truyền được tiến hành thông qua nhiều hình thức như pano, khẩu hiệu, sinh hoạt định kỳ của chi hội, tổ Phụ nữ… để thực hiện tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới, triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa", Cuộc “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" hoặc thông qua tổ chức các sự kiện hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường", Ngày môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5 hàng năm); Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5… Qua đó, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia bằng các hành động cụ thể như “nói không với rác thải nhựa"; xách làn, giỏ đi chợ; phân loại rác tại nguồn; trồng hoa ở các tuyến đường; quét dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng, thôn xóm sạch sẽ; tiết kiệm điện, nước; tắt điện, quạt, máy điều hòa khi không sử dụng; tiết kiệm văn phòng phẩm, tiết kiệm xăng xe... tại nơi làm việc cũng như tại gia đình… Những hoạt động này đã giúp cho các chị em ở các đối tượng, địa bàn khác nhau nhận thức đúng, đầy đủ hơn về tầm quan trọng của môi trường, bảo vệ môi trường. Từ đó, bản thân mỗi một hội viên, chị em có ý thức trách nhiệm hơn, thay đổi hành vi của mình trong từng hành động, việc làm để bảo vệ môi trường. Đồng thời, mỗi hội viên cũng trở thành một tuyên truyền viên tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình, hàng xóm, người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, tham gia các hoạt động cộng đồng bảo vệ môi trường.
2. Các hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của phụ nữ Đồng Nai
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng khu phố văn hoá, xây dựng đô thị văn minh đều quy định cần hoàn thành đạt tiêu chí môi trường. Đây là tiêu chí đòi hỏi cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đông đảo quần chúng nhân dân thì mới hoàn thành và giữ vững được các chỉ tiêu đó. Chính vì vậy, phụ nữ Đồng Nai đã phát huy cao vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức và tham gia các công việc được phân công nhằm thực hiện đạt tiêu chí môi trường, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, khu phố văn hoá. Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thành lập các mô hình tổ bảo vệ môi trường như: có 32 tổ phụ nữ thâu gom rác, phân loại rác tại nguồn và tự quản các tuyến đường xanh sạch đẹp với 801 thành viên; 116 tổ, câu lạc bộ “Phụ nữ bảo vệ môi trường" với 3.533 thành viên; 10 tổ phụ nữ “Tiếng kẻng môi trường" với 127 thành viên; 2.424 tổ/ câu lạc bộ “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" với 111.577 thành viên; 378 chi hội “Phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới" có 75.215 thành viên; 5 tổ phụ nữ “Bạn ơi đi chợ" có 60 thành viên. Các tổ bảo vệ môi trường tích cực tham gia các hoạt động như đăng ký với cấp ủy quản lý các tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn", tham gia thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" của Chính phủ, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chống rác thải nhựa… Ngoài ra, các tổ bảo vệ môi trường còn tích cực vận động chị em tham gia các cuộc ra quân trồng cây xanh, trồng hoa; dọn dẹp các tuyến đường khu dân cư, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương tù đọng; vận động các chị em công nhân giữ vệ sinh phòng trọ, nhà ở, bỏ rác đúng nơi quy định; vận động chị em tiểu thương, người tiêu dùng tiết giảm sử dụng túi nilong, sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, các loại túi có thể tái sử dụng nhiều lần…
Bên cạnh đó, các cấp hội đã có nhiều sáng kiến xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua thử nghiệm trên thực tế các mô hình này hoạt động hiệu quả, nhận được sự ủng hộ của đông đảo hội viên và người dân. Từ đó, các mô hình tiêu biểu được triển khai, lan toả rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các mô hình này không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn đóng góp tích cực cho các hoạt động vì cộng đồng, cụ thể như: Mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn vì sức khỏe phụ nữ và cộng đồng" và mô hình “Tiết kiệm bán rác thải tái chế nhằm hỗ trợ phụ nữ và bảo vệ môi trường" của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Long Thành. Thông qua các mô hình này, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Long Thành đã sử dụng số tiền tiết kiệm bán rác thải để tặng quà, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn và đóng góp ủng hộ kinh phí mua vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mô hình “Câu lạc bộ thu gom ve chai" của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tân Phú gây quỹ ủng hộ phụ nữ khó khăn tại xã Phú Lập. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cẩm Mỹ với mô hình “Biến rác thải thành tiền", số tiền bán rác thải hỗ trợ xây dựng 01 nhà vệ sinh cho người dân tộc bị bệnh nặng, hỗ trợ cho hội viên khó khăn. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Xuân Lộc với mô hình “Tiết kiệm văn phòng phẩm và nhựa tái chế". Bên cạnh đó, các cấp hội còn xây dựng và triển khai các mô hình Chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn hiệu quả như: mô hình “Đổi rác tái chế nhận quà"; mô hình “Tuyến đường không rác"; mô hình “Sọt rác gia đình"; mô hình “Biến rác thải nhựa, ve chai, phế liệu thành tiền giúp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn"; mô hình “Tiết kiệm bán rác thải tái chế hỗ trợ phụ nữ bảo vệ môi trường"; “Phân loại rác thải tại nguồn vì sức khỏe phụ nữ và cộng đồng"; “Ngôi nhà xanh thu gom rác thải nhựa"; “Tủ phế liệu"... với số tiền bán rác thải thu được các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ cho học sinh nghèo học giỏi và hội viên gặp khó khăn…
Với các hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của phụ nữ Đồng Nai đã tạo ra một môi trường sống trong lành, xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, điều này cũng tạo ra sự kết nối giữa các hội viên, phụ nữ ở các vùng miền với nhau, có sự chia sẻ, giúp đỡ nhau trong thực hiện các hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, các kết quả đạt trong hoạt động bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu phố, thôn ấp văn hoá, đô thị văn minh. Nhiều địa phương đã lấy tiêu chí môi trường xanh – sạch – đẹp là lĩnh vực nổi trội trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như xã Phú Hoà (huyện Định Quán) với mô hình tự quản nhằm phát huy trách nhiệm của mỗi người dân trong giữ gìn và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, hiện nay Đồng Nai đã xây dựng được 34 khu dân cư kiểu mẫu và 121 mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn đã được lồng ghép vào đánh giá tiêu chí thi đua của các gia đình văn hóa, ấp văn hóa hàng năm. Trên thực tế, tiêu chí về môi trường đã được thực hiện đạt kết quả cao, với minh chứng với trên 90% gia đình được công nhận là gia đình văn hoá, 100% các ấp, thôn đạt ấp, thôn văn hoá. Đây chính kết quả của sự đóng góp phần lớn công sức, sự lan toả tinh thần của phụ nữ trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Tuy nhiên, phụ nữ Đồng Nai khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu còn gặp một số khó khăn, trở ngại nhất định. Đó là kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ để triển khai hoạt động phân loại rác tại nguồn như chưa có thùng phân loại rác, xe thu gom rác thải theo từng loại... Mặt khác, ý thức giữ gìn vệ sinh, tinh thần trách nhiệm của một số phụ nữ và người dân còn hạn chế nên chưa tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường do địa phương và các cấp hội phụ nữ phát động. Do đó, để phát huy hiệu quả các kết quả nổi bật và khắc phục các khó khăn, hạn chế trong việc phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cấp hội phụ nữ cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của trong hoạt động bảo vệ môi trường. Việc đề ra các chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc giúp cho việc giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường triệt để, hiệu quả và không để hình thành các “điểm đen", “điểm nóng" về bảo vệ môi trường, tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường. Do đó, tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là ở các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cộng đồng trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trên địa bàn để tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong học đường, trong khu dân cư, trong các khu chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn. Bên cạnh đó, các cấp hội cần chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia hoạt động tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường trên địa bàn sinh sống. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao thì bản thân mỗi hội viên phải có kiến thức, hiểu biết về bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chống rác thải nhựa… và phải đi đôi với trách nhiệm nêu gương, tính gương mẫu, đi đầu trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ tư, các cấp hội cần tổ chức sơ kết, đánh giá kịp thời hiệu quả hoạt động các mô hình. Qua đó, chúng ta mới có thể tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường, về phân rác thải tại nguồn; đồng thời, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường, giới thiệu các mô hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường của hội viên, phụ nữ.
Phát huy tinh thần của phụ nữ miền Đông Nam bộ và tinh thần, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", phụ nữ Đồng Nai đã tích cực tham gia trong hoạt động bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu với nhiều cách làm sáng tạo và đạt hiệu quả cao. Với những kết quả đạt được trong hoạt động bảo vệ môi trường, phụ nữ Đồng Nai không những góp phần xây dựng một môi trường sống trong lành, xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần quan trọng trong hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai./.
ThS. Đỗ Thị Thu Phương
Khoa Xây dựng Đảng
* Tài liệu tham khảo
- Ban Bí thư (2016). Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 15/12/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
- Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai (2020). Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 24/3/ 2020 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
- Bộ Chính trị (2019). Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Nai (2023). Báo cáo ngày 21/11/2023 về kết quả hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai năm 2023.
- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai (2020). Báo cáo ngày 30/06/2020 về “Tình hình phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt năm 2020 trên địa bàn tỉnh và việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn".
- Thủ tướng Chính phủ (2020). Chỉ thị 33/CT-TTg, ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiếu chất thải nhựa.
- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai (2023). Báo cáo số: 380/ BC-MTTQ-BTT về kết quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" năm 2023 (Chương trình xây dựng ấp, khu phố văn hóa).
- Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai (2020). Kế hoạch 5973/KH-UBND ngày 28/5/2020 về triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2020-2025.
- Uỷ ban nhân dân xã Phú Hoà (2022). Báo cáo số: 114/BC-UBND ngày 30/8/2022 về kết quả thực hiện tiêu chí chọn kiểu mẫu lĩnh vực số 5 - Môi trường: Tiêu chí 1 - Tỷ lệ hộ dân xây dựng cảnh quan, nơi ở xanh – sạch – đẹp (tỷ lệ ≥ 95%) địa bàn xã Phú Hòa.
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (2022). Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT, ngày 24/04/2022 về Hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" giai đoạn 2021- 2025