Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". (Hồ Chí Minh)
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRẺ PHỤC VỤ CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA ĐỒNG NAI

1. Định hướng phát triển của Đồng Nai và những yêu cầu đặt ra cho đội ngũ trí thức trẻ

Đồng Nai thuộc khu vực trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội, có hệ thống đường giao thông thuận tiện, nguồn nhân lực dồi dào, đảm bảo cho sự phát triển của Tỉnh và toàn vùng. Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại hướng đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đưa Đồng Nai sớm trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển, đồng thời là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đòi hỏi phát huy ở mức cao nhất mọi nguồn lực, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trong đó lực lượng trí thức trẻ đã và đang giữ vai trò quan trọng.

nữ trí thức 1.jpg

Trong những năm vừa qua, đội ngũ trí thức tỉnh Đồng Nai nói chung, trí thức trẻ nói riêng đã không ngừng vươn lên khẳng định vị thế và vai trò của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ đã có nhiều đóng góp trí tuệ, tâm sức thiết thực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển toàn diện và bền vững của Đồng Nai, việc phát huy vai trò của ĐNTTT còn nhiều hạn chế. Đồng Nai đang thiếu những trí thức có trình độ chuyên môn chuyên sâu (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học giỏi, thực sự tâm huyết với nghề), ở các lĩnh vực đang cần cho sự phát triển của tỉnh, những đóng góp của ĐNTTT đối với sự phát triển KT-XH của địa phương còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của đội ngũ này. Trong khi đó yêu cầu phát triển bền vững của Đồng Nai trong xu thế hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang rất cần các nhà trí thức lớn, các chuyên gia đầu ngành, có năng lực tư duy đổi mới, đột phá, sáng tạo, có thể đảm đương được các công trình, dự án lớn. Song, công tác nghiên cứu khoa học của ĐNTTT còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế do quy định về thủ tục thực hiện đề tài và nguồn kinh phí. Một bộ phận trí thức trẻ còn bị bó hẹp về môi trường tự do sáng tạo, còn thụ động đối với các vấn đề phát triển mà địa phương đang cần giải quyết….Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: (1) Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của ĐNTTT và trách nhiệm đối với ĐNTTT chưa đầy đủ, sâu sắc; (2) Chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút mang tính đặc thù đối với ĐNTTT, nhất là những trí thức trẻ có trình độ cao, có nhiều đóng góp cho địa phương, đơn vị, ở một số ngành, lĩnh vực địa phương đang thiếu, đang cần, đang xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám"; (3) Vẫn chưa xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐNTT để có kế hoạch sử dụng và phát huy hiệu quả năng lực, sở trường của ĐNTT nói chung, trí thức trẻ nói riêng. Đến nay, vẫn chưa có một nghị quyết riêng về ĐNTT hay chiến lược phát triển ĐNTT phục vụ cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH của địa phương cũng như trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (4) Một bộ phận trí thức trẻ chưa tâm huyết, chưa đầu tư nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ và trang bị những kỹ năng mềm. Trình độ ngoại ngữ và tin học của ĐNTTT hiện nay còn yếu, nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Vì vậy, trước yêu cầu phát triển bền vững của địa phương, khi mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra như vũ bão, thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để giảm thiểu những khó khăn, áp lực mà Đồng Nai phải đối diện khi cạnh tranh cơ hội với các địa phương khác để bức phá đi lên, nhất là các tỉnh phát triển trong khu vực Đông Nam bộ. Đồng Nai cần phải có chiến lược để xây dựng và phát huy vai trò của ĐNTTT.  

2. Một số giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ phục vụ cho sự phát triển của Đồng Nai

Hơn ai hết, đội ngũ trí thức trẻ là những người vừa có trí tuệ, sức trẻ, vừa có khao khát cống hiến. Họ là đội ngũ tinh hoa của nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao; là lực lượng đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng những tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ, vì sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của tỉnh – yếu tố quyết định để Đồng Nai sớm trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển. Để đội ngũ trí thức trẻ thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài tham luận, tôi chỉ tập trung đề cập 1 số giải pháp về cơ chế, chính sách, như sau:

- Trước hết, cấp ủy, chính quyền Đồng Nai cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chủ trương, chính sách đối với ĐNTTT phù hợp với giai đoạn mới. Phải xác định rõ việc xây dựng lực lượng và trọng dụng ĐNTTT là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, vì lực lượng trí thức trẻ là chủ nhân tương lai, quyết định sự phát triển của tỉnh trong những chặng đường tiếp theo. Vì vậy, sử dụng hợp lý ĐNTTT là một chính sách cần đặt biệt ưu tiên trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền Đồng Nai cần xây dựng chính sách mang tính đột phá trong tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách đó cần có giải pháp cụ thể để khai thác, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để trí thức trẻ có cơ hội phát triển. Việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần ưu tiên ĐNTTT; phải làm sao để trí thức trẻ thấy được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương đối với họ để từ đó xây dựng động cơ ý thức học tập, công tác, phát huy hết tiềm năng của mình để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Thứ hai, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần mạnh dạn bố trí những trí thức trẻ có tài năng đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng trong các lĩnh vực, nâng cao tỉ lệ cán bộ trẻ ở các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ ở các cấp. Khi đã trọng dụng họ, cần giao cho họ những nhiệm vụ quan trọng để rèn luyện và thử thách bản lĩnh của họ, từ đó nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ này. Việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đất nước và địa phương.

- Thứ ba, cần phải có chế độ, chính sách đãi ngộ tương xứng đối với những đóng góp của họ. Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức nói chung và trí thức trẻ nói riêng còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, chưa thỏa đáng. Hiện tượng một số trí thức trẻ được đào tạo rất tốn kém, ra trường làm việc trong môi trường nhiều áp lực (lĩnh vực y tế) hay trong lĩnh vực rất quan trọng được coi là quốc sách hàng đầu là ngành giáo dục mức lương còn rất thấp, thậm chí thấp hơn cả lương của  nữ công nhân hay một lao động giản đơn không cần qua đào tạo. Điều đó làm giảm sút sự nhiệt tình, lòng quyết tâm vươn lên của trí thức trẻ, thậm chí dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám". Với chế độ tiền lương còn nhiều bất hợp lý như hiện nay, số tiền người trí thức nhận được chỉ có thể trang trải những nhu cầu tối thiểu cho bản thân và gia đình, thậm trí với những trí thức trẻ “cơm áo, gạo tiền" vẫn là một lỗi lo thường trực. Do vậy, để trí thức trẻ toàn tâm, toàn ý cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của địa phương, tỉnh cần phải tạo động lực kích thích sự sáng tạo - vốn là tiềm năng rất lớn trong mỗi trí thức. Chế độ đãi ngộ đó không những bảo đảm cho ĐNTTT được yên tâm về nhu cầu của bản thân và gia đình mà còn phải mang lại cho họ những chế độ chuyên biệt, đãi ngộ riêng như là ghi nhận của xã hội về công sức, tài năng, trí tuệ và vị thế của họ trong xã hội. Muốn vậy, việc đầu tiên là cấp ủy, chính quyền Đồng Nai cần tiếp tục kiến nghị Đảng, Nhà nước sớm thực hiện cải cách chế độ tiền lương. Chính sách tiền lương phụ thuộc vào chính sách vĩ mô của chính phủ, vì vậy, về phía địa phương, Đồng Nai có thể tập trung thực hiện chế độ đãi ngộ đặc thù phù hợp với nguồn lực của địa phương. Đặc biệt chú trọng đối với những trí thức trẻ có chuyên môn sâu, ở những lĩnh vực tỉnh đang cần, đang thiếu và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Có thể thấy chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ hợp lý đang là vấn đề được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, trong đó có ĐNTTT. Một chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ hợp lý, thỏa đáng không chỉ tạo điều kiện thực hiện chiến lược thu hút, giữ chân người tài mà còn góp phần nâng cao chất lượng lao động, giá trị sản phẩm - những yếu tố giữ vai trò quan trọng quyết định sự cạnh tranh, lợi thế của Đồng Nai so với các địa phương trong vùng.

- Thứ tư, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng

Trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị… của ĐNTTT không thể tự nhiên mà có; nó là sản phẩm của quá trình đào tạo, bồi dưỡng lâu dài và có hệ thống. Do đó, công tác đào tạo và bồi dưỡng được xem là con đường trực tiếp, hình thức cơ bản nhất để hình thành và phát huy vai trò của ĐNTTT.

Trong những năm qua, công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của Đồng Nai đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Điều này dẫn đến một trong những khó khăn, thách thức mà Đồng Nai đang phải đối mặt là “tình trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp", Đồng Nai đang “khát" nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, thực hiện đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng nhằm xây dựng ĐNTTT tỉnh Đồng Nai đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu là yêu cầu có tính cấp thiết của Đồng Nai trong thời gian tới. Thực hiện giải pháp này, chúng ta cần lưu ý: Trong kế hoạch đào tạo của tỉnh cần tập trung vào các ngành đang cần và sẽ cần để phục vụ cho sự phát triển của Tỉnh trong thời gian tới. Ưu tiên đầu tư, khuyến khích các trí thức phát triển, tăng tỉ lệ trí thức có học hàm, học vị, chuyên môn sâu. Đồng thời, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực theo từng lĩnh vực, từ đó cụ thể hóa kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo; tận dụng mọi cơ hội cử các trí thức trẻ giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, có triển vọng đưa đi đào tạo ở nước ngoài theo cơ cấu, nghề nghiệp phù hợp, đặc biệt là những ngành, những lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tránh đào tạo tràn lan, kém hiệu quả, đào tạo vừa thừa, lại vừa thiếu.

- Thứ năm, phát huy vai trò của tỉnh đoàn trong quy tụ, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ

Tập hợp, phát huy lực lượng trí thức trẻ, đặc biệt là những nhân tố nổi trội, tiêu biểu luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng của Tỉnh đoàn và tổ chức đoàn các cấp. Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã cố gắng từng bước gắn kết đội ngũ trí thức trẻ của tỉnh qua những hoạt động cụ thể như các diễn đàn, hội thảo khoa học, các hoạt động tôn vinh, biểu dương trí thức trẻ hay định hướng để đội ngũ trí thức trẻ ngày càng mở rộng về địa bàn và lĩnh vực hoạt động. Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ thông qua việc tổ chức đa dạng hơn nữa các hoạt động, phong trào, tạo môi trường, điều kiện để trí thức trẻ có sận chơi cho riêng mình để qua đó thể hiện năng lực bản thân và có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Tỉnh đoàn cần chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp về chính sách thu hút, trọng dụng người tài, sử dụng trí thức trẻ, trước mắt là cụ thể hóa và triển khai thật hiệu quả Đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. ​



TS. Phạm Thị Minh Nguyệt

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐỒNG NAI​
116 Tổ 16 KP2 P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
​ Điện thoại: 02513. 808. 220 - Email: banb​ientaptctdn@gmail.com