Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". (Hồ Chí Minh)
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CÁN BỘ SỢ TRÁCH NHIỆM, KHÔNG DÁM HÀNH ĐỘNG VÌ LỢI ÍCH CHUNG

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CÁN BỘ SỢ TRÁCH NHIỆM, KHÔNG DÁM HÀNH ĐỘNG VÌ LỢI ÍCH CHUNG

 

1. Vì sao cán bộ sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung

Với quan điểm “cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng", vì vậy, những năm gần đây Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay BTVTU đã điều chỉnh, bổ sung và ban hành 08 quy định, 01 hướng dẫn về công tác cán bộ, đó là: (Quy định số 09 ngày 3/3/2022 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 16 ngày 12/9/2022 về luân chuyển cán bộ; Quy định số 14 ngày 12/7/2022 năm 2022 về nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và các đảng ủy khối trực thuộc; Quy định số 13 ngày 7/7/2022 quy định về cán bộ lãnh đạo hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh; Quy định số 10 ngày 5/4/2022 về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 23 ngày 18/4/2023 về tuyển dụng công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và các đảng ủy khối trực thuộc; Quy định số 21 ngày 27/2/2023 về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định số 22 ngày 15/3/2023 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Hướng dẫn số 02 ngày 8/2/2023 hướng dẫn về bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật).

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của BTVTU nên công tác cán bộ của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Từng khâu trong công tác cán bộ có những đổi mới, từng bước thực chất hơn. Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng cơ bản đảm bảo về số lượng, chất lượng, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn; trình độ, năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng được nâng lên; ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được đề cao sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị đã thể hiện tốt vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế, các thế lực thù địch với âm mưu phá hoại bằng chiến lược “diễn biến hoà bình", nhưng tuyệt đại đa số cán bộ vẫn giữ được bản lĩnh chính trị, trung thành với sự nghiệp đổi mới của Đảng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn bó với nhân dân; nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng và tín nhiệm; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ của tỉnh trong thời gian qua còn có những hạn chế, cần khắc phục, đó là: tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ, thiếu tính kế thừa, hẫng hụt cán bộ còn xảy ra ở một số đơn vị, địa phương; một số cán bộ lãnh đạo còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế; vai trò trách nhiệm, nêu gương của một số cán bộ, đảng viên, có cả cấp ủy viên chưa cao, nhiều trường hợp vi phạm phải xử lý kỷ luật.

Đặc biệt, thời gian gần đây, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng rất đáng lo ngại đó là biểu hiện sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bệnh sợ trách nhiệm dẫn đến tình trạng cán bộ thận trọng quá mức trong điều hành, xử lý công việc chung. Có những việc thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng quá thận trọng, không dám quyết nên phải lấy ý kiến rất nhiều cơ quan có chức năng. Bệnh sợ trách nhiệm làm cho công việc bị chậm trễ, ách tắc, cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ, những công trình bị triển khai chậm tiến độ, nguồn vốn đầu tư công không được giải ngân đúng kế hoạch, những vấn đề bức xúc trong xã hội không được giải quyết kịp thời…Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị sợ trách nhiệm kéo theo hệ lụy là làm cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền thiếu niềm tin, thiếu năng nổ, thiếu nhiệt huyết, làm việc cầm chừng, không muốn cống hiến…

Cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ tránh được cán bộ sai phạm, bị kỷ luật, bị khởi tố, nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động gì vì sợ sai, sợ trách nhiệm là không thể chấp nhận được và cần phải xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ đó. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan phụ trách công tác cán bộ cần rà soát lại xem trong cơ quan, đơn vị mình có tỷ lệ bao nhiêu cán bộ, đảng viên như thế để xử lý thậm chí có phương án thay thế. Như quan điểm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm". , “Nếu anh nào làm không tốt thì thay luôn, chúng ta không thiếu người".

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, tại sao đến nay mới xuất hiện hiện tượng cán bộ, đảng viên có tâm lý sợ trách nhiệm?! Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan làm cho một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm. Nguyên nhân khách quan chủ yếu đến từ những tác động của mặt trái cơ chế thị trường làm cho lối sống thực dụng, vị kỉ, thờ ơ, vô cảm có điều kiện tồn tại và lây lan. Cán bộ sống và làm việc trong môi trường đó khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực về tâm lý, tư tưởng, lối sống và kéo theo là sự tính toán lợi ích cá nhân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Một nguyên nhân khác nữa là do hệ thống pháp luật của ta chưa đồng bộ. Có một thực tế là, cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này thì có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác thì lại sai. Mặc dù Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhưng chủ trương đúng đắn này chưa được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ chỉ làm cầm chừng, không dám đột phá.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất, cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đặc biệt có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự. Từ đó, đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán ngại, sợ sai, sợ bị kỉ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự…   

Còn nguyên nhân chủ quan về phía cá nhân cán bộ là do cán bộ thiếu bản lĩnh, hoặc thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, hoặc thiếu năng lực, hoặc sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Nguyên nhân chủ quan về phía tổ chức là do tổ chức chưa làm tốt công tác cán bộ và chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu để phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, cũng như trong bảo vệ, kiểm tra, giám sát, phê bình và xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm. 

Rồi những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ làm cho việc bố trí cán bộ không tương xứng với cương vị công tác về cả phẩm chất và năng lực, trách nhiệm và uy tín. Công việc đảm nhiệm vượt quá khả năng thực tế của cán bộ sẽ làm cán bộ sợ chính công việc được giao đảm nhiệm.

  1. Về giải pháp khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

    Để phục vụ cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Đồng Nai trong thời gian tới, Đồng Nai cần những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là rất kịp thời và cần thiết. Kết luận nêu rõ: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn này cần được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể triển khai được ngay, để cán bộ yên tâm hành động vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, các cấp ủy cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác cán bộ. Công tác cán bộ phải được thực hiện hết sức nghiêm túc, công phu; kiên quyết loại bỏ những tiêu cực trong công tác cán bộ như tinh thần của quy định 114 mà Bộ Chính trị vừa mới ban hành ngày 11/7/2023.

 Ngoài ra phải xây dựng quy chế làm việc chặt chẽ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao tự phê bình và phê bình việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, nhất là những cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp. Kiểm tra, giám sát để thấy cán bộ đã thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ hay chưa, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hay không. Đây là cách làm rất thiết thực để ngăn ngừa, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ hiện nay.

Cùng với đó, các tổ chức, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng cần đề cao tự phê bình và phê bình việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ. Trong sinh hoạt thường kỳ phải làm rõ những biểu hiện sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, có hay không, ở mức độ nào, nguyên nhân do đâu, cách khắc phục ra sao và phải có thái độ kiên quyết phê bình, sửa chữa.

Đồng thời, các cấp ủy cần khẩn trương rà soát, tiến hành thay thế những cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm.

Còn giải pháp đối với cá nhân cán bộ, Trước hết, cán bộ phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng. 

Bản lĩnh của người cán bộ được thể hiện ở ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên cường, dũng cảm, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Người cán bộ có bản lĩnh sẽ bình tĩnh, tự tin, sáng suốt giải quyết những vấn đề đặt ra. Cùng với bản lĩnh, người cán bộ phải có đạo đức cách mạng. Người cán bộ có đạo đức cách mạng sẽ luôn định hướng mình hành động vì lợi ích chung, không thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc đặt ra, không tư lợi, hủ hóa.

Hai là, không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Trình độ, năng lực, kinh nghiệm giúp người cán bộ thực thi chức trách, nhiệm vụ, giải quyết công việc một cách khoa học, đúng đắn, hiệu quả.

Ba là, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phải đặt công việc của tập thể, lợi ích của tập thể lên trên hết, trước hết, tất cả vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, không mảy may tư lợi cá nhân.

Tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ, là một thực trạng rất đáng lo ngại, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì đâu mà có, mức độ thế nào, hậu quả ra sao, để từ đó đề ra giải pháp khắc phục triệt để. Với tinh thần quyết tâm cao nhất, thái độ quyết liệt nhất tin rằng những giải pháp trên nếu được thực hiện sẽ phát huy hiệu quả đối với công tác cán bộ của tỉnh trong thời gian tới. ​


Vũ Nghĩa

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐỒNG NAI​
116 Tổ 16 KP2 P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
​ Điện thoại: 02513. 808. 220 - Email: banb​ientaptctdn@gmail.com