Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tương của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vai trò nòng cốt, tiên phong.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách. Tình hình chính trị quốc tế phức tạp, khó lường, đặc biệt là mâu thuẫn gay gắt giữa các quốc gia, dân tộc cùng với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước là những yếu tố tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội ngày càng được sử dụng rộng rãi là môi trường mà các thế lực thù địch khai thác triệt để. Sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của chúng đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tâm lý, thái độ của một bộ phận nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó dẫn đến một hệ lụy vô cùng nguy hại như Đảng ta đã từng cảnh báo, “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc". Trước tình hình đó, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ tâm, đủ tầm lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao phó đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra.
1. Nhân cách văn hoá của người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thấm nhuần quan điểm: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn thì mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn"[1], việc xây dựng và rèn luyện nhân cách văn hóa đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những nội dung quan trọng của công tác cán bộ, góp phần để mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều cốt lõi của nhân cách văn hóa của người cách mạng là “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất"[2]. Người yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên và các nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng phải: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính trị của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ "[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng như là phẩm chất cốt lõi của nhân cách văn hóa ở cán bộ, đảng viên. Theo người, đạo đức cách mạng có thể tóm tắt là:
“Nhận rõ phải, trái, giữ vững lập trường.
Tận trung với nước, tận hiếu với dân "[4].
Như vậy, nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên phải được nuôi dưỡng trong nguồn sữa của Nhân dân và phải tỏa sáng trong Nhân dân. Nếu tách rời mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo với Nhân dân thì không thể xây dựng được nhân cách văn hóa của họ.
Để giúp cán bộ, đảng viên hoàn thiện được nhân cách văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh đến công tác chỉnh đốn Đảng. Tổ chức Đảng có vai trò đặc biệt trong việc rèn luyện, giáo dục, xây dựng nhân cách văn hóa cho từng cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu:
“- Chỉnh Đảng phải làm từng bước, phải có trọng tâm.
Chỉnh huấn cán bộ trước rồi mới chỉnh đốn chi bộ.
- Chỉnh huấn tư tưởng trước rồi mới chỉnh đốn tổ chức.
- Chỉnh huấn cán bộ cao cấp phải do Trung ương trực tiếp lãnh đạo vì đó là mấu chốt của việc chỉnh đốn toàn Đảng"[5].
Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Đảng: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu"[6]. Vì vậy, sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên là điều kiện hàng đầu để tạo nên sự gương mẫu của toàn Đảng.
Nhân cách văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ được thể hiện ở sự phấn đấu tận tâm, tận lực của họ vì lợi ích của Nhân dân, ở tinh thần gương mẫu đi đầu của họ mà còn thể hiện ở thái độ và hành động của họ trong việc đấu tranh chống các căn bệnh nảy sinh làm tổn hại đến lợi ích của Đảng, của Nhân dân. Đặc biệt là các bệnh tham ô, lãng phí và quan liêu. Theo Người: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân"[7]. Người chỉ rõ: “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta"[8].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng tiêu chuẩn nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên theo các tiêu chuẩn sau:
- Suốt đời kiên quyết phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
- Rèn luyện tư tưởng vô sản, sửa chữa tư tưởng sai lầm. Kiên quyết đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, không đứng chân trong chân ngoài.
- Đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng.
- Tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật của Đảng.
- Liên hệ chặt chẽ với quần chúng.
- Luôn luôn cố gắng học tập, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách văn hóa là một đóng góp quan trọng cho kho tàng lý luận về nhân cách. Người cán bộ, đảng viên phải có đức hy sinh cho lợi ích của Đảng, của Tổ quốc. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi các lợi ích được đẩy lên cao đặt ra cho mỗi người cần có quan điểm, suy nghĩ, hành động đúng đắn trong mối quan hệ với lợi ích tập thể và lợi ích của Tổ quốc. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh".
2. Xây dựng và rèn luyện nhân cách văn hóa của cán bộ, đảng viên góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó cán bộ, đảng viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi lẽ, mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu trong việc thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm, việc làm sai trái, thù địch đi ngược lại đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để đảm nhiệm được những trọng trách ấy đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Muốn vậy đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng như là phẩm chất cốt lỗi của nhân cách văn hoá ở cán bộ, đảng viên.
Hiện nay, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết. Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; đặc biệt là những luận điệu bôi nhọ, hạ thấp uy tín cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, chia rẽ ngay chính trong đội ngũ cán bộ hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm. Trước tình hình đó, Đảng xác định phải "tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ;… Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. … bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị; bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc". Do đó việc xây dựng nhân cách văn hóa là công việc thường xuyên, là nền tảng của văn hóa Đảng đối với cán bộ, đảng viên, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một đòi hỏi tất yếu đối với Đảng ta nói chung, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nói riêng. Quá trình này, đòi hỏi cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng phải có quyết tâm chính trị cao, nghị lực mới, với những giải pháp tích cực, đồng bộ. Đây cũng là giải pháp quan trọng để ngăn chặn nguy cơ “tự diễn biến", “tự chuyển hóa", góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao năng lực phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình hiện nay, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân nhân các dân tộc đối với đối với cấp ủy, chính quyền trong hệ thống chính trị.
Như vậy, để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình trong mọi thời đại, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết đội ngũ cán bộ, đảng viên phải xây dựng được nhân cách văn hóa, bởi đó là hệ điều tiết để nâng cao nhận thức, hành vi, năng lực tổ chức hành động luôn vì lợi ích của Đảng, của tập thể và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, trong sạch về nhân cách, nói không với tiêu cực, tham nhũng, luôn lắng nghe, học hỏi, gần gũi với nhân dân. Bởi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân. Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Gương mẫu là tiêu chí, thước đo văn hóa của người cán bộ. Thực tế cho thấy, khi cán bộ đã “nhúng chàm", mất uy tín thì chất lượng lãnh đạo, quản lý hạn chế, thậm chí bất lực. Bởi vậy, cần coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành nhân cách văn hóa cho người cán bộ, đảng viên và xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên", nâng cao tính chuyên nghiệp, đủ khả năng làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế là công việc cần kíp hiện nay./.
Long Anh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.5, tr.309, 167.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t11,tr603
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t11,tr603
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t9,tr.354
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t7,tr.398
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t7,tr.415
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t7,tr.357
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t7,tr.357