Thực hiện Nghị quyết năm 2024 của Đảng bộ Trường Chính trị; căn cứ hướng dẫn sinh hoạt sinh hoạt chuyên đề của Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Đồng Nai; ngày 01/6/2024, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức Chương trình tham quan, về nguồn tại di tích lịch sử Ngục Tài Lài, huyện Tân Phú. Tham dự chương trình có đồng chí Lê Thị Cát Hoa, Bí thư Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh và tất cả các đồng chí đảng viên đang sinh hoạt tại 03 chi bộ trực thuộc.
Sau chương trình dâng hương, dâng hoa, tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng tại địa chỉ đỏ Ngục Tà Lài, đoàn đại biểu Đảng bộ Trường chính trị đã được nghe đồng Đặng Vũ Hiệp, UVTVHU, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy thuyết minh về lịch sử hào hùng, ghi dấu những chiến công anh dũng của quân và dân nơi đây trong kháng chiến chống Thực dân Pháp.
Ngục Tà Lài hay còn gọi căng Tà Lài (thực dân Pháp gọi là Camp des travailleurs Talai) do thực dân Pháp lập vào tháng 6/1939, là một trại giam nằm trong rừng cách thị trấn Tân Phú hơn 15 cây số về hướng Bắc. Ngục Tà Lài nguyên là trụ sở đặc biệt được xem như một quận lỵ vùng người Thượng ở Đông và Đông Bắc Biên Hoà của thực dân Pháp. Cuối năm 1939, thực dân Pháp đã lần lượt bắt nhiều cán bộ của Đảng, đem giam giữ trong các nhà tù ở đất liền hoặc đày đi Côn Đảo. Ngoài cán bộ, đảng viên, chúng còn đàn áp, bắt bớ những quần chúng tiến bộ, những người phụ trách quản trị các Hội, Đoàn, tịch thu tài sản của Hội và gia đình họ, gây hoang mang chia rẽ trong nhân dân. Thực dân Pháp còn lập thêm các nhà tù ở Bà Rá (Ngày 20/5/1933, đổi tên quận Sông Bé thành quận Núi Bà Rá, tỉnh Biên Hoà. Quận Núi Bà Rá có 9 tổng: Bình Cách, Thuận Lợi, Bu Yum, Tân Thuận, Khum Narr, Khun Klênh, Xor Nouk, R'Lâp, Bunard gồm 95 làng dân tộc thiểu số. Ngày 24/4/1957, tách một phần quận Xuân Lộc thành lập tỉnh Long Khánh, quận Bà Rá chuyển về thuộc tỉnh Phước Long), Tà Lài... là những vùng “ma thiêng nước độc". Chúng gọi đây là những “Căng của những người lao động đặc biệt" để giam giữ những cán bộ, đảng viên cộng sản, những chiến sĩ yêu nước chống phát xít ở Nam bộ. Trước tình hình đàn áp của thực dân Pháp, Trung ương Đảng đã kịp thời chỉ đạo cho các cơ quan, cán bộ, đảng viên đang hoạt động hợp pháp và bán hợp pháp phải mau lẹ rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn để tránh tổn thất.
Nằm trên diện tích rộng khoảng 7.000 đến 8.000m2, ngục Tà Lài gồm nhiều dẫy nhà trệt bằng gỗ lợp ngói và các trại dài, nhà bếp, trạm y tế bằng tranh tre. Trại nằm sát mé sông Đồng Nai, có bến phà, bản làng đồng bào Mạ. Từ sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại (23/11/1940), số lượng người bị giam tại đây ngày một đông, có lúc lên đến 400 người. Kẻ thù muốn dùng nơi “lam sơn chướng khí" này để giết lần, giết mòn, tách những người cộng sản ra khỏi quần chúng nhân dân.
Ngày 27/3/1941, được sự giúp đỡ của đồng bào Ch'ro, Mạ ở Biên Hòa, các đồng chí Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông, Tô Ký, Châu Văn Giác, Trương Văn Nhâm, Nguyễn Công Trung, kỹ sư Văn... tổ chức vượt ngục Tà Lài về lại Sài Gòn hoạt động. Do địch bố ráp căng thẳng nên mối liên lạc từ bên trên xuống các tỉnh và giữa các địa phương hầu như bị cắt đứt. Tuy vậy, số cán bộ, đảng viên còn lại vẫn chủ động công tác, kiên trì vận động cách mạng, củng cố tổ chức và từng bước khôi phục phong trào.
Đến giữa tháng 10/1943 mới xây dựng được các Liên Tỉnh ủy và lập ra Xứ ủy lâm thời, gồm các đồng chí Dương Quang Đông, Dương Khuy, Nguyễn Tấn Đức, Khước, Côn, Nhung… do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư. Xứ ủy ra tờ báo Tiền Phong làm cơ quan ngôn luận nên gọi là “nhóm Tiền Phong".
Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra, các đảng viên vượt ngục Tà Lài trở thành những cán bộ nòng cốt, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Nam bộ.
Ngày nay, ngục Tà Lài không còn dấu tích để lại do thực dân Pháp đã phá hủy sau khi rút đi. Di tích chỉ còn một lồng sắt chìm dưới sông Đồng Nai, nhờ đó xác định được vị trí của nhà tù khi xưa. Để ghi nhớ tinh thần đấu tranh bất khuất của những người cộng sản và đồng thời để phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn", Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã cho xây dựng công trình Bia tưởng niệm ngục Tà Lài trên diện tích gần 3000m2.
Bia ghi dấu sự kiện vượt nhà ngục Tà Lài được thiết kế trong một không gian thoáng, cảnh quan khá sinh động. Nền bia cao và toàn bộ diện tích bia làm bằng đá hoa cương màu đỏ sẫm. Nội dung văn bia khắc màu vàng: “Ngày 27/3/1941, được sự giúp đỡ của đồng bào, 08 đảng viên cộng sản (ông Dương Quang Đông, ông Trần Văn Giàu, ông Trần Văn Kiệt, ông Trương Văn Nhâm, ông Nguyễn Văn Đức, ông Tô Ký, ông Châu Văn Giác) đã vượt ngục về với cách mạng, trở thành những nhân tố, nòng cốt củng cố Xứ ủy Nam kỳ, góp phần quan trọng trong thắng lợi cách mạng giải phóng miền Nam và xây bảo vệ tổ quốc". Phù điêu trên kiến trúc Bia khắc họa những hình ảnh sinh hoạt, lao động của những người bị giam giữ tại nhà tù Tà Lài dưới sự cai quản, canh gác của cai ngục, quân lính; hội họp bí mật của đảng viên trao đổi, bàn bạc kế hoạch vượt ngục; quá trình vượt ngục của các đảng với sự giúp đỡ của người đồng bào thiểu số khi vượt sông Đồng Nai. Sáng ngày 19/5/2001, công trình đã long trọng được khánh thành. Địa danh nay thuộc xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Đây là hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng tổ chức sinh hoạt đảng, gắn với với triển khai thực hiện chuyên đề năm 2024 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện, nhất là gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giảng dạy của đảng viên của Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức chính trị – tư tưởng; ý thức sâu sắc về sự tự rèn luyện, học tập của cán bộ, đảng viên.
Trịnh Tình