Xây dựng và lan tỏa chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới, đồng thời cũng là một nhiệm vụ cốt lõi để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố hàng đầu đảm bảo việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
1. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới
Trong giai đoạn vừa qua, Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, gần nhất tại Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TƯ ngày 09/6/2014 Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". (1)
Tiếp đến, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại." (2)
Gần đây nhất, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, được tổ chức vào ngày 24/11/2021, tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là hội nghị thứ hai sau 75 năm kể từ hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 24/11/1946, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, nhấn mạnh một trong nững nhiệm vụ quan trọng của văn hóa trong giai đoạn hiện nay: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo."(3)
Như vậy, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu của thời đại mới là chủ trương lớn, xuyên suốt nhiều năm qua của Đảng ta nhằm hướng tới xây dựng thành công các mục tiêu phát triển mà ở đó con người có cuộc sống, có môi trường sống tốt đẹp nhất. Phát triển văn hóa luôn song hành và gắn kết với xây dựng những chuẩn mực con người Việt Nam mới. Trong đó, con người được phát huy hết tài năng, trí tuệ, đạo đức, nhiệt huyết cống hiến, trách nhiệm của mình cho quê hương đất nước, gắn kết chuẩn mực con người với chuẩn mực gia đình, gắn kết các giá trị văn hóa bản sắc con người Việt Nam kết hợp với giá trị văn minh của thời đại.
2. Gắn kết phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam thời đại mới ở Đồng Nai thời gian qua
Là tỉnh có vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam; là cửa ngõ phía Đông thành phố Hồ Chí Minh, nối Nam Trung bộ, Nam Tây nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam bộ bởi các tuyến giao thông huyết mạch ; với dân số trên 3,2 triệu người, 50 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống với 10 tôn giáo. Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển cả kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng- an ninh.
Với bề dày lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa- Đồng Nai hơn 325 năm đã khẳng định, bồi đắp nên cốt cách con người Đồng Nai với những phẩm chất tốt đẹp như yêu nước, anh dũng, kiên cường, đoàn kết, nghĩa tình, nhân ái, quảng đại, bao dung, hào sảng, hiếu học, nhiệt huyết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm,… đã tạo nên rất nhiều các giá trị vật chất và tinh thần, làm nên bản sắc và “Hào khí Đồng Nai".
Cụ thể, trên địa bàn Đồng Nai hiện nay có 68 di tích đã được xếp hạng và hơn 1,5 ngàn di tích được kiểm kê phổ thông. Các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phong phú đa dạng về loại hình: di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Điển hình như Văn miếu Trấn Biên được ví như “Quốc Tử Giám" ở đất Nam bộ ra đời chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long – Hà Nội. Đây là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước và là biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và trọng người tài của vùng đất.
Tại Đồng Nai các di tích được xếp hạng trải đều trên địa bàn các huyện, các thành phố; tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 3 bảo vật quốc gia gồm: Tượng thần Vishnu Bình Hòa, Sưu tập Qua đồng Long Giao và Sưu tập đàn đá Bình Đa. Đặc biệt, các di tích khảo cổ học thời tiền sử Đồng Nai được khai quật và hệ thống giá trị phi vật thể đã thể hiện rõ bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc đã và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động lễ, hội, tín ngưỡng dân gian của cộng động các dân tộc như: Lễ hội Kỳ Yên ở các đền, miếu, Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) của dân tộc Chơro, Lễ hội Tả Tài Phán của dân tộc Hoa..., các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đờn ca tài tử, tôn giáo diễn ra thường xuyên trên địa bàn thể hiện sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân Đồng Nai.
Sau hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước và đặc biệt trong chặng đường 20 năm trở lại gần đây, với nhiều giải pháp thúc đẩy phát huy bản sắc văn hóa- con người Đồng Nai trong giai đoạn mới, tỉnh cũng đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khá nổi bật. Là một trong 10 tỉnh, thành của cả nước có sự phát triển kinh tế- xã hội vượt bậc, có nhiều đóng góp cho ngân sách quốc gia. Nổi bật năm 2019, Đồng Nai là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; và đang là một trong các tỉnh thành dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt 12/2023 huyện Xuân Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh, là huyện thứ 3 trong cả nước được Chính phủ công nhận được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, hiện nay, toàn tỉnh cùng với các bộ, ngành liên quan đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành những hạng mục quan trọng nhằm sớm đưa sân bay Long Thành một siêu dự án của đất nước, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025. Là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của Đồng Nai, của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Và để đạt được những thành tựu đó đã khẳng định sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của quân và dân- con người Đồng Nai dồn sức, góp phần vào sự thành công chung của cả nước. Những chuẩn mực văn hóa con người Đồng Nai, “Hào khí Đồng Nai" tiếp tục được vun đắp, hình thành là động lực cho người Đồng Nai bổ sung, có thêm những giá trị mới trong thời đại hiện nay.
Với nền tảng của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cùng với yêu cầu phát triển của một tỉnh công nghiệp nơi hiện có gần 1.600 dự án FDI còn hiệu lực, với số vốn đầu tư trên 34 tỷ USD, cùng với số lượng lớn cư dân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đến làm ăn và sinh sống, nên việc hội nhập, giao lưu, tiếp biến văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng sâu mở rộng cũng là cơ hội để Đồng Nai hình thành thêm các giá trị văn hóa, chuẩn mực con người tiên tiến thời đại mới.
Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền Đồng Nai luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và người Đồng Nai nói riêng đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác từ triển khai quán triệt các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương như triển khai nghiên cứu, quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kết quả Hội nghị Văn hóa toàn quốc đến các văn bản chỉ đạo của Đảng, thông tư, hướng dẫn, văn bản của các Bộ, cơ quan chuyên ngành. Tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa trên địa bàn phát huy năng lực cống hiến vì các mục tiêu phát triển toàn diện.
Bên cạnh những thuận lợi và những thành tựu đã đạt được, Đồng Nai vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như chịu nhiều tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một số bộ phận cán bộ có tư tưởng “tự diễn biến", “tự chuyển hóa"; âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình"của các thế lực thù địch, nhất là lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp đổi mới,… trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa làm băng hoại các giá trị văn hóa truyền thống. Tốc độ phát triển, đô thị hóa ngày càng tăng, dẫn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, những yếu kém trong hoạt động quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng ảnh hưởng đến tình hình tư tưởng, nhận thức của quần chúng nhân dân. Quá trình toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực cũng tạo ra nhiều cơ hội, thời cơ song cũng nhiều thách thức, trong lĩnh vực văn hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị phai nhạt. Một số giá trị chuẩn mực văn hóa, con người mới lại chưa được hình thành rõ nét, khẳng định từ đó dễ dẫn tới những lệch chuẩn văn hóa, nhất là trong một bộ phận giới trẻ. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu về nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa con người chưa đầy đủ, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
3. Giải pháp góp phần xây dựng các chuẩn mực văn hóa, con người thời đại mới ở Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay.
Từ thực tiễn việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Đồng Nai thời gian vừa qua đặt ra yêu cầu cần thiết xây dựng chuẩn mực con người thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm tiếp nối, vun đắp, xây dựng và trao truyền “Hào khí Đồng Nai" thời đại mới. Trên nền tảng những chuẩn mực con người Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, Đồng Nai cần tiếp tục nghiên cứu những chuẩn mực được hình thành trong thời kỳ mới để bồi đắp thêm những giá trị con người thời kỳ mới mang bản sắc Đồng Nai. Theo đó, xin khuyến nghị các cấp ủy, cơ quan, ban ngành trong tỉnh:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai quán triệt chỉ đạo việc tổ chức thực hiện thành công những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, nhất là những nhiệm vụ và giải pháp đã xác định trong Nghị quyết 33-NQ/TƯ ngày 09/6/2014 Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa; những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững"; Kế hoạch số 2084/KH-UBND, ngày 23/3/2016 triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch số 257- KH/TU và Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 08/3/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ trong phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh tạo môi trường sống và các điều kiện tốt nhất nhằm xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, từ đó tiếp tục làm nảy sinh và khẳng định các chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam đến mọi ngưới dân nhất là trong thế hệ trẻ. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống và giá trị tinh hoa văn hóa hiện đại. Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy việc hình thành và nhân rộng, lan tỏa các giá trị chuẩn mực con người mới trong giai đoạn hiện nay. Khơi dậy, tiếp thu, bồi đắp những giá trị văn hóa, những chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng. Tiếp tục nhân rộng các hoạt động phong trào có ý nghĩa tốt đẹp tại địa bàn cơ sở hiện nay như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư", “Xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu", “Xây dựng đô thị văn minh", thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Thứ ba, chỉ đạo hoạt động tổng kết lý luận nghiên cứu thực tiễn về những chuẩn mực con người thời đại mới gắn với bản sắc văn hóa “ Hào khí Đồng Nai" góp phần khẳng định và tiếp tục trao truyền các giá trị đó thấm sâu trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị tốt đẹp thông qua nhiều hình thức chuyển tải, chú trọng hình thức chuyển tải trên nền tảng số, công nghệ hiện đại, hoạt động văn hóa nghệ thuật,... phù hợp với xu hướng thời đại. Hoàn thiện việc xây dựng, chắt lọc, khẳng định hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người thời đại mới tại Đồng Nai đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ tư, tiếp tục hình thành các cơ chế tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ, trí thức, người lao động có cơ hội, môi trường, nguồn lực cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà. Khuyến khích, tôn vinh những văn nghệ sĩ, trí thức có nhiều đóng góp trong nghiên cứu và lan tỏa các gía trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới trên mảnh đất Đồng Nai. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nguồn lực quan trọng nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa, chuẩn mực con người mới đáp ứng yêu cầu thời đại hiện nay.
Như vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn con người mới trên mảnh đất Đồng Nai hiện nay mang bản sắc, giá trị nền tảng chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới, và được bồi đắp thêm các giá trị bản sắc riêng con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu giai đoạn hiện nay. Trước những biến đổi, thách thức trong nước và trên thế giới đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, tạo điều kiện phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời không ngừng nghiên cứu, đúc kết, phổ biến, lan tỏa những giá trị mới thấm sâu vào mỗi con người nơi đây tạo động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn mới.
Vân Anh
- https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-33-NQ-TW-2014-xay-dung-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-Viet-Nam
- https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi
- https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.html