Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". (Hồ Chí Minh)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO PHẨM CHẤT, ĐẠO ĐỨC NGƯỜI GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI CHI BỘ LIÊN KHOA

Đội ngũ nhà giáo là một bộ phận đặc biệt của đội ngũ trí thức, là “kiến trúc sư trí tuệ", đào tạo ra các thế hệ tương lai cho đất nước, là động lực của sự phát triển. Trên phương diện lãnh đạo, quản lý, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém"  thì người thầy chính là những người nuôi dưỡng, bồi đắp cho “cái gốc cán bộ" được đâm chồi, nảy lộc. Tuy nhiên để nuôi dưỡng, bồi đắp cho những cái gốc ấy đâm những chồi, những lộc khỏe mạnh, để trở thành những tán lá rộng góp mình vào khu rừng vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản thì ngay chính bản thân người đào tạo ra cán bộ, cụ thể là những nhà giáo trong đó có giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần rất nhiều những yếu tố, những phẩm chất vừa mang những đặc điểm chung của nghề giáo vừa có những đặc trưng riêng biệt của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại các trường chính trị tại các tỉnh như phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí tự lực tự cường, lòng yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phải có tầm nhìn xa, nắm bắt các xu hướng nghiên cứu hiện đại, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy; cần tăng cường trình độ ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và trong đó đặc biệt phải có nhân phẩm, đạo đức không chỉ đơn giản của người giảng viên mà còn là của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị với những đặc thù về nội dung giảng dạy, đối tượng giảng dạy và mục đích giảng dạy.

Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới từ rất sớm trong quan điểm, tư tưởng của Người. Người luôn đặc biệt chú ý đến phẩm chất đạo đức nhà giáo. Người đề cao vai trò của đạo đức, coi đạo đức là linh hồn của Nhà giáo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo rất sâu sắc bởi Hồ Chí Minh là một người thầy, một nhà giáo dục vĩ đại, nhiều nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng không chỉ là những đồng chí cùng Người và tiếp bước Người thực hiện những mục tiêu, lý tưởng cho đất nước, dân tộc mà còn chính là những học trò xuất sắc của Người, được sự dìu dắt về tư tưởng, về đạo đức, về lý tưởng và tài năng mà trưởng thành.  Đạo đức nhà giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những phẩm chất cơ bản: hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà giáo trong từng tình huống cụ thể.

Trường Chính trị với nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Chính quyền, Đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương) về lý luận chính trị, hành chính nhà nước và một số lĩnh vực khác. Để thực hiện được sứ mệnh cao cả trên rất cần đến một đội ngũ cán bộ giảng dạy, đội ngũ đó chính là những giảng viên của trường Chính trị.

Giảng viên trường Chính trị là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức Sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ này góp phần quan trọng xây dựng nước nhà ngày càng phát triển. Thiết thực nhất, cụ thể nhất là việc đào tạo, cán bộ công chức cấp cơ sở; cán bộ, công chức lãnh đạo cấp phòng thuộc huyện hoặc sở, ngành các tỉnh. Sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Do đó sự ảnh hưởng, tác động đến xã hội, đến đời sống nhân dân vô cùng to lớn. Giảng dạy là một hoạt động đặc thù, mà không phải ai cũng làm được và làm được một cách toàn diện. Đối với người giảng viên dạy lý luận chính trị cho đối tượng cán bộ cơ sở, thì càng không dễ dàng, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và cả cái tâm của người thầy. Cái khó của người giảng viên lý luận chính trị là đòi hỏi người giảng viên phải có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng. Đó là lòng yêu nghề, tâm huyết với công việc giảng dạy, nghiên cứu; lao động không ngại gian khổ, khiêm tốn, thật thà, trung thực, giản dị; là sự tôn trọng, quý mến học viên của mình; là đức tính cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Bác Hồ đã dạy để xứng đáng là tấm gương về đạo đức, lối sống đối với học viên. Bởi giảng chính trị, đòi hỏi giữa lời nói, việc làm phải hài hòa, phải đi đôi. Nói và làm phải đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều đó, đòi hỏi phải có sự rèn luyện, trau dồi về mọi mặt của người giảng viên. Phải khắc phục việc giảng đường lối, chính sách, pháp luật rất hay, nhưng làm thì ngược lại, điều đó phản tác dụng. Từ đó sẽ tạo ra sự hoài nghi, thiếu tin tưởng của người học.

 Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp không phải tự nhiên mà có, mà là sự tổng hợp của nhiều yếu tố cấu thành nên, cùng với sự rèn luyện, học tập phấn đấu và quyết tâm của từng người. Giảng bài là việc khó, nhưng giảng cho các đối tượng của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và ở trường Chính trị lại càng khó hơn, đòi hỏi phải có sự sắc sảo trong từng bài giảng và những tri thức thực tiễn phong phú. Chỉ có như vậy mới gây được tính thuyết phục từ phía người học. Vì vậy, trách nhiệm vô cùng nặng nề, đòi hỏi đội ngũ giảng viên trường Chính trị phải có những yêu cầu nhất định để xứng đáng và hoàn thành nhiệm vụ cao cả trên.

Chúng ta đã biết, quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một quá trình, thời kỳ, giai đoạn đất nước, dân tộc ta đang và đã và sẽ tiếp tục trải qua để đi lên mục tiêu cao hơn là CNXH và điều này đã được Đảng xác định từ ĐH VI của Đảng với sự nhấn mạnh đó sẽ là một quá trình lâu dài, phức tạp và hết sức khó khăn khi phải đấu tranh giữa cái mới chưa thành hình và cái cũ chưa mất đi trong điều kiện đặc thù và còn rất nhiều khó khăn của đất nước. Đó cũng là thời kỳ khi kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa trở thành nhân tố thiết yếu, mang theo nhưng cơ hội lớn nhưng cũng không ít những thách thức. Những thách thức này tác động ngay đến tận tâm tư những người giảng viên giảng dạy LLCT nhất là về đời sống, tư tưởng trong khi đó với đặc thù riêng biệt của người giảng viên LLCT nếu không ngừng nâng cao phẩm chất, đạo đức người nhà giáo, người giảng viên LLCT sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng lung lay về tư tưởng, mất niềm tin vào đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, … điều này là mối nguy lớn không chỉ với cá nhân giảng viên LLCT mà còn ảnh hưởng đến an nguy của chế độ bởi về vai trò, trách nhiệm của người giảng viên LLCT rất đặc thù

Với rất nhiều những yêu cầu cho người giảng viên giảng dạy chính trị, trong khuôn khổ buổi sinh hoạt chuyên đề này, tôi xin phép trình bày một số giải pháp để nâng cao phẩm chất, đạo đức của người giảng viên

Một là, tự soi, tự sửa, tự nâng cao phẩm chất, đạo đức giảng viên giảng dạy lý luận chính trị: Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình" và đảng viên, cán bộ trong sạch, vững mạnh thì Đảng trong sạch, vững mạnh và ngược lại.

“Tự soi, tự sửa" được hiểu là tự mình nhìn vào chính mình, tự mình đánh giá, nhận xét về mình trong cả nhận thức và hành động nhằm phát hiện sai phạm, yếu kém của bản thân từ đó tìm ra nguyên nhân, giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục, sửa chữa; là tự mình chẩn bệnh, bốc thuốc cứu mình. Khi đã nói “tự soi, tự sửa" là muốn nói đến sự tự nguyện, tự giác, sự dũng cảm, sự cầu thị đối với những hạn chế, khuyết điểm, với những thói hư, tật xấu... nhất là về phẩm chất, đạo đức của giảng viên giảng dạy LLCT. thực chất của “tự soi, tự sửa" chính là thường xuyên “tự phê bình", tự điều chỉnh mình, “như một thói quen rửa mặt hàng ngày". Soi, sửa bao gồm soi, sửa về nhận thức, về hành động, về đạo đức lối sống,… bởi không có gì tốt hơn bằng chính bản thân mình nhận thức rõ những vấn đề mình đang gặp phải, đang diễn ran gay trong chính con người, cuộc sống và công việc của mình. Khi nhận thức đúng, đủ thì vấn đề soi, sửa sẽ đạt hiệu quả cao và mặc nhiên phẩm chất đạo đức cũng sẽ được nâng cao. Đây là giải pháp tự thân và cũng là giải pháp thiết thực và hết sức hiệu quả. Tuy nhiên để thực hiện được điều này ngay chính bản thân người tự soi, tự sửa phải có ý thức và nhận rõ trách nhiệm, sự cần thiết của điều này vào chính bản thân đó là quá trình rất khó khăn khi bỏ cái tôi còn chưa hoàn thiện của bản thân để hướng tới cái tôi tốt hơn, hoàn thiện hơn mỗi ngày, đó là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình mà mỗi người giảng viên sẽ phải tự đối mặt và chiến đấu.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo đồng thời phải từng bước đổi mới cơ chế, chính sách ưu tiên, đãi ngộ phù hợp đối với giảng viên để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành; có các giải pháp, biện pháp căn cơ biến những chính sách thành hành động thực tế, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giảng viên. Bên cạnh đó, bảo đảm tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, coi đó là một trong những điều kiện để nhà giáo đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học.

Ba là, thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình: Tự phê bình và phê bình là một quy luật phát triển và tiến bộ của Đảng, cũng là một phương pháp căn bản để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng", mục tiêu của nguyên tắc này chính là nâng cao sự đoàn kết trong Đảng là nêu ra ưu điểm để phát huy, chỉ ra hạn chế và nguyên nhân của hạn chế để tránh và khắc phục, là điều kiện cần thiết trong Đảng về gắn kết nhau và giúp nhau cùng tiến bộ. Vì vậy, trong chi bộ Liên khoa nói riêng nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức của người giảng viên cần thực hiện nghiêm nguyên tắc này, trong các cuộc họp giữa các đảng viên là giảng viên với nhau cần có sự phê và tự phê một cách chân tình, trên nguyên tắc xây dựng và phát triển từ đó người tự phê, người phê và người được phê bình sẽ có động lực để trao dồi, hoàn thiện bản thân hơn. Nội dung tự phê và phê bình không chỉ trong chuyên môn mà có thể là trong cuộc sống hằng ngày, trong mối quan hệ với học viên và đồng nghiệp cũng như gia đình và nhân dân để từ đó sự hoàn thiện về đạo đức và phẩm chất của người đảng viên, giảng viên sẽ không ngừng tăng lên

Bốn là, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong việc nâng cao phẩm chất đạo đức người giảng viên LLCT bằng cách nắm bắt nhanh, chính xác những vấn đề đang xảy ra liên quan đến cán bộ, đảng viên mình quản lý từ đó nhanh chóng đưa ra những cách  giải quyết những vướng mắc khó khăn của giảng viên.

Cấp ủy và quản lý các cấp cần quan tâm hơn việc giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho nhà giáo phấn đấu, rèn luyện; xây dựng nhiều điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt" trong rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Song song với đó, cần nắm bắt, giải quyết tốt nguyện vọng và các lợi ích chính đáng, thiết thực của đội ngũ giảng viên trong phạm vi quyền hạn cho phép, kịp thời động viên họ yên tâm công tác, ra sức học tập, phấn đấu trau dồi hơn nữa chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện tốt chế độ ưu đãi, khen thưởng, đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với nhà giáo một cách thực sự công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời, chính xác. Đồng thời, đấu tranh kiên quyết, triệt để với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; lên án và khắc phục kịp thời mọi biểu hiện vi phạm trong thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người giảng viên. Từ có sự ủng hộ,hỗ trợ sẽ tạo được niềm tin và từ đó người giảng viên sẽ được khích lệ để không ngừng phát triển cả chuyên môn và đạo đức đáp ứng những yêu cầu, định hướng của cấp ủy, cấp quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm chuyên môn.

Phẩm đạo đức nghề giáo là lương tâm nhà giáo, nhà sư phạm. Lương tâm nghề giáo là ý thức trách nhiệm của mỗi nhà giáo đối với hành vi của mình trong hoạt động nghề nghiệp, là thái độ cũng như cách ứng xử của người làm nghề “trồng người" được hình thành từ một quá trình nhận thức sâu sắc, trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục, vượt qua mọi cám dỗ vật chất tầm thường, đúng như “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Do tính chất đặc thù của nghề dạy học, nên xã hội luôn mong muốn và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp của người thầy, và càng được xã hội tôn trọng thì càng đòi hỏi rất cao năng lực và phẩm chất đạo đức của nhà giáo, vì thế mỗi nhà giáo cần tự hoàn thiện mình để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.

 

 

​ 


Hồng Gấm

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐỒNG NAI​
116 Tổ 16 KP2 P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
​ Điện thoại: 02513. 808. 220 - Email: banb​ientaptctdn@gmail.com