Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Trong trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị kéo dài, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn, thiên tai phức tạp,.. nhưng nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, có thể điểm lại với 10 sự kiện kinh tế tiêu biểu năm 2024 như sau:
Thứ nhất, tuyên ngôn Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc của Tổng Bí thư Tô Lâm
Trên cơ sở đánh giá về thế và lực của Việt Nam sau gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: “Với với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…". Kỷ nguyên vươn mình khởi đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và đích đến là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Tuyên ngôn như lời hiệu triệu tất cả người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Thứ hai, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 quốc gia
Ngày 7/3/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese của Australia đã nhất trí nâng cấp quan hệ chiến lược Việt Nam – Australia lên đối tác chiến lược toàn diện.
Cuộc hội đàm chính thức tại Paris ngày 7/10/2024 giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định nâng cấp quan hệ chiến lược Việt Nam – Pháp lên đối tác chiến lược toàn diện. Pháp là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trong 27 nước thành viên Liên minh châu Âu.
Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia vào ngày 21/11/2024, trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển rất lớn về thương mại giữa Việt Nam và Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cùng nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 9 quốc gia, gồm: Trung Quốc (5/2008), Nga (7/2012), Ấn Độ (9/2016), Hàn Quốc (12/2022), Hoa Kỳ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024) và Malaysia (11/2024).
Thứ ba, Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng GDP
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi của năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%; quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp còn khoảng 11%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra; chỉ số tự do kinh tế tăng 13 bậc, lên vị trí 59/176 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Thứ tư, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số kỷ lục
Năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục 783 tỷ USD (vượt hơn 100 tỷ USD so với mức 681 tỷ USD của năm 2023). Đóng góp vào thành tích chung của xuất khẩu năm 2024, ngành nông nghiệp ghi dấu ấn đậm nét, khi lần đầu tiên xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Kết quả này là quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; đồng thời là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực.
Điểm nhấn quan trọng và là bước đột phá trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2024, đó là ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA) vào ngày 28/10/2024. Hiệp định có sức lan tỏa mạnh mẽ tạo nên những bước tiến mới trong ký kết các FTA với các nước Trung Đông – Châu Phi thời gian tới; trước mắt là các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Qatar... Như vậy tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và đàm phán 19 FTA; mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Thứ năm, lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước vượt trên 2 triệu tỷ đồng
Năm 2024, lần đầu tiên, thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, vượt 324,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Kết quả này là rất ấn tượng trong bối cảnh nội tại nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ gây hậu quả nặng nề. Đặc biệt là NSNN phải thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo đó, tổng quy mô gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2024 lên đến khoảng 191 nghìn tỷ đồng (số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng).
Thứ sáu, thu hút FDI ấn tượng
Thu hút FDI lũy kế đến 11 tháng năm 2024 đạt gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. 2024 cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Trong 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023. Trong thu hút vốn FDI của Việt Nam, dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như điện tử, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Đặc biệt là, Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
Thứ bảy, đột phá về công nghệ
Việc ký kết, hợp tác giữa tập đoàn công nghệ số một thế giới hiện nay - Nvidia với Việt Nam là một trong những sự kiện ấn tượng nổi bật, thể hiện tầm nhìn của Việt Nam trong việc “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nhằm thúc đẩy tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững dựa trên đổi mới sáng tạo.
Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo Nghị quyết, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ tám, Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Ngày 30.11.2024, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng chiều dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Dự án có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 67 tỉ USD, sử dụng công nghệ hiện đại với tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến hoàn thành vào năm 2035.
Thứ chín, đường dây 500kV mạch 3 - Biểu tượng của ý chí và khát vọng phát triển
Dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối là đường dây 500kv mạch kép, dài khoảng 519km, đi qua 9 tỉnh, có tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng, với 4 dự án thành phần, được khởi công tháng 1/2024. Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão," “chỉ bàn làm, không bàn lùi," “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm," “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương," “làm việc liên tục 24/7," “3 ca, 4 kíp," “làm xuyên tết, xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ," dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã hoàn thành chỉ sau hơn 6 tháng thi công và chính thức khánh thành vào tháng 8/2024. Công trình 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phối Nối được đưa vào vận hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Thứ mười, du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
Năm 2024, mặc dù bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động nhưng du lịch vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế khi đón 17 triệu lượt khách quốc tế, 120 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu từ khách du lịch ước đạt 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%). Năm 2024, Việt Nam vinh dự đón nhận 3 giải thưởng: "Điểm đến hàng đầu châu Á", "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á". Đáng chú ý, đây là lần thứ 6 trong 7 năm qua Việt Nam được tôn vinh là "Điểm đến hàng đầu châu Á", khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới.
Có thế thấy rằng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế, xã hội năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực khi thực hiện thành công 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật với 10 thắng lợi về kiện kinh tế như đề cập ở trên. Những thành tựu đạt được trong năm 2024 đã tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để năm 2025 tiếp tục tăng tốc, bứt phá, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; tiếp tục quá trình không ngừng tích lũy thế và lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.