Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". (Hồ Chí Minh)
Giới thiệu cuốn sách "Hồ Tùng Mậu - Tiểu sử"

​Hồ Tùng Mậu - Tiểu sử / Nhiều tác giả biên soạn. – H.: Chính trị quốc gia, 2016. - 223 tr.; 20,5 cm

8bff73ec-41fa-42a8-8dee-eceb0e187383_IMG_1290.JPG

  Hồ Tùng Mậu là học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một con người đậm chất nhăn văn, am hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa; là tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng. Đồng chí đã cống hiến trọn đời cho nhân dân, cho Tổ quốc, cho Đảng, cho cách mạng. Tên tuổi đồng chí là niềm tự hào của dân tộc.

Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Thân sinh của ông là cụ Hồ Bá Kiện. Cụ Kiện là một chí sĩ trong phong trào Văn Thân, bị thực dân Pháp bắt giam và bắn chết trong khi vượt ngục tại Lao Bảo.

Khi Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hương Cảng bắt tháng 6 năm 1931, ông đã cùng Trương Vân Lĩnh liên hệ với Hội Quốc tế Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Francis Henry Loseby bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc. Chính vì thế, ông bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt giam, nhưng vì không đủ chứng cứ buộc tội nên họ trục xuất ông khỏi Hương Cảng. Khi ông vừa đặt chân lên đất Thượng Hải ngày 26 tháng 6 năm 1931, thì bị mật thám Pháp bắt và giải về Việt Nam xét xử. Ông bị kết án tù chung thân. Trải qua các nhà lao Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê, tháng 3 năm 1943, ông vượt ngục ở Trà Khê và hoạt động ở Trung Bộ.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được phân công giữ các chức vụ: Phụ trách trường Quân chính Nhượng Bạn (Trung Bộ), Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, Ủy viên thường vụ Liên khu ủy. Ngày 18 tháng 12 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Chính phủ và cử ông giữ chức vụ Tổng Thanh tra. Tại Đại hội Đảng lần thứ II vào tháng 2 năm 1951, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 23 tháng 7 năm 1951, ông hy sinh trên đường đi vào Liên khu IV công tác, do bị máy bay Pháp bắn trúng tại Phố Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Cuốn sách Hồ Tùng Mậu - Tiểu sử tái hiện toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu, đồng thời ghi lại những đóng góp to lớn của đồng chí với Đảng và cách mạng Việt Nam. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ Việt Nam./.


Nguyệt Ánh.

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐỒNG NAI​
116 Tổ 16 KP2 P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
​ Điện thoại: 02513. 808. 220 - Email: banb​ientaptctdn@gmail.com