Vốn hóa đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Chuyên khảo/ PGS.TS.Trần Thị Minh Châu. – H. : Chính trị quốc gia, 2013. - 248 tr. ; 21 cm
Vốn hóa đất đai là một thuật ngữ mới được sử dụng trong vài năm trở lại đây. Vốn hóa đất đai theo nghĩa rộng là một cách đặt vấn đề về thái độ của xã hội đối với đất đai trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng hiện đại dựa trên quan niệm được nhiều người ủng hộ cho rằng, cần đối xử với các nguồn lực đầu vào không phải là vốn (gồm lao động và đất đai) như đối xử với vốn. Tức là coi nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đã được đào tạo và quỹ đất đai – đặc biệt quỹ đất đai có thể sử dụng vào phát triển kinh tế - như là nguồn tài sản xã hội đã được tích lũy theo thời gian và phải được bảo tồn, tăng trưởng giá trị trong quá trình tiếp tục phát triển.
Theo nghĩa hẹp, vốn hóa đất đai được hiểu là một kỹ thuật chuyển hóa hình thái biểu hiện của đất, với tư cách tài sản của chủ sở hữu, thành tiền để có thể đầu tư vào các hoạt động kinh tế.
Ở Việt Nam, việc giải quyết vấn đề vốn hóa đất đai không đơn giản cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Bởi Việt Nam không những tuân theo quy luật chung của kinh tế thị trường mà còn phải phù hợp với các điều kiện đặc thù riêng, đó là chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, là sự lựa chọn xu hướng xã hội chủ nghĩa ở một nước đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới đạt trình độ nước thu nhập trung bình, một nước mà sản xuất nông nghiệp có nhiều lợi thế; trong khi tồn tại sự chưa trưởng thành của thị trường bất động sản nói chung và thị trường quyền sử dụng đất nói riêng.
Cuốn sách “Vốn hóa đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” giúp quý độc giả hình dung rõ nét hơn về thực trạng vốn hóa đất đai ở Việt Nam. Nội dung cuốn sách tập trung trình bày một số vấn đề lý luận về vốn hóa đất đai, mô tả thực trạng vốn hóa đất đai ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị và giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho vốn hóa đất đai ở Việt Nam từ nay đến năm 2020. Đây là một tài liệu chuyên khảo cực kỳ hữu ích cho cán bộ giảng viên đứng lớp tại các trường chính trị khi gặp phải những câu hỏi của học viên liên quan đến vấn đề đất đai hoặc quyền sử dụng đất đai trong chương trình Quản lý nhà nước. Cuốn sách mang đến cái nhìn hệ thống, chuyên sâu về quản lý đât đai ở nước ta hiện nay, góp phần nâng cao nhận thức của người đọc về một vấn đề không mới nhưng không phải dễ dàng lý giải thuyết phục được người nghe.
Nội dung cuốn sách gồm 03 chương:
Chương I: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về vốn hóa đất đai
Chương II: Thực trạng vốn hóa đất đai ở Việt Nam
Chương III: Giải pháp tạo điều kiện thuân lợi cho vốn hóa đất đai ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2020